Ông Bằng cho biết, năm nay ông 66 tuổi, sức khỏe cũng đã giảm sút nhiều so với trước đây, vì vậy, việc làm kinh tế cũng phải phù hợp với sức khỏe, điều kiện của mình, vừa tận dụng lợi thế đất đai mình có. Thấy vùng đất Vân Hòa, có nhiều cây cối, đất của gia đình lại rộng, rất thích hợp cho việc nuôi ong. Vì vậy năm 2005, ông Bằng đã quyết định đầu tư vào nuôi ong.
Lúc đầu nuôi ong, vốn ít, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông chỉ nuôi 20 đàn ong. Ông Bằng cho biết: “Nghề nuôi ong cũng lắm công phu, đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, tỉ mỉ, chịu khó và nắm rõ đặc tính của ong như: đi lại, ăn uống, xây tổ, chia đàn; am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở; mùa ong đi lấy mật để nâng cao sản lượng và chất lượng. Ngoài ra, bắt đúng bệnh của ong cũng rất quan trọng. Đặc biệt là các bệnh thối ấu trùng và ong bốc bay”. Để có đàn ong khỏe, hút được nhiều mật, người nuôi phải thường xuyên luân chuyển ong đến nhiều vùng khác nhau. Vì vậy vào các mùa trong năm, nhất là mùa nhãn, vải, mùa táo, ông đều di chuyển đàn ong đến các khu vực đó để từ đó có sản lượng mật cao và được khách hàng ưa chuộng. Đến nay ông đã có 100 đàn ong, mỗi năm thu lãi 70 - 90 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông Bằng còn tập trung vào nuôi thỏ. Ông nuôi 8 đến 10 thỏ nái sinh sản, mỗi năm đàn thỏ sinh sản khoảng 100 con thỏ con và từ đó ông nuôi thành thỏ thương phẩm phục vụ thị trường. Theo ông Bằng, độ tuổi sinh sản tốt nhất của thỏ là từ 4 - 4,5 tháng, trọng lượng trên 4kg; mỗi thỏ mẹ có thể sinh sản từ 7 - 8 lứa/năm, mỗi lứa từ 6 - 9 con. Sau khi thỏ con được 12 ngày tuổi tiến hành tách mẹ hoàn toàn, đưa thỏ con sang khu chuồng khác, chỉ cho bú thỏ mẹ theo khung giờ nhất định. Từ lúc này thỏ con được cho ăn thức ăn bổ sung. Thức ăn của thỏ chủ yếu là các loại lá cây gia đình tự trồng được, bởi vậy, với diện tích vườn rộng, ông hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thức ăn cho Thỏ, cho Thỏ ăn sạch là thỏ lớn nhanh, từ nuôi thỏ mỗi năm ông cũng có thu lãi 30 đến 40 triệu đồng.
Ngoài ra, ông còn tập trung vào phát triển trồng cây bưởi Diển, với khoảng hơn 100 gốc bưởi Diễn hiện nay. Ông Bằng cho biết thêm “Để trồng bưởi Diễn ngon, trước hết người trồng phải chọn mua được loại cây giống chất lượng, được chiết từ cành trung tán, tuyệt đối không lấy cành ngọn. Hàng năm, sau khi thu hoạch quả phải chăm bón cho cây bằng các loại phân hữu cơ bón lót, tưới nước giữ ẩm và cắt, tỉa cành cho cây rồi quét vôi vào thân cây từ cách mặt đất 1m -1,2m xuống dưới gốc để hạn chế sâu bệnh. Thời kỳ cây ra hoa, đậu quả cần phun bổ sung phân bón lá và kích phát tố để kích thích sinh trưởng chùm hoa và tăng tỷ lệ đậu quả. Từ lúc này đến khi thu hoạch thì phải thường xuyên kiểm tra cây, quả để sớm phát hiện sâu bệnh và xử lý, đồng thời bổ sung thêm phân bón cho những cây yếu". Gia đình ông luôn chủ động phòng trừ sâu, bệnh, đặc biệt là ruồi vàng bằng dung dịch ngâm tỏi và ớt do gia định tự làm. Từ cây bưởi, mỗi năm gia đình ông cũng thu được hàng trăm triệu đồng.
Với việc hăng say lao động, luôn chịu khó học hỏi từ người khác, qua sách vở và tự rút kinh nghiệm trong quá trình mà mỗi năm qua, ông Bằng luôn có thu nhập trên 200 triệu đồng, cuộc sống của gia đình ông ngày một khá giả. Kết quả đó đã xứng đáng với những gì ông đã nỗ lực, bởi theo ông “Ở thôn quê, có diện tích đất rộng là một nguồn lực quan trọng nhưng không phải là tất cả, người nông dân phải chịu khó học hỏi để tìm cây, con phù hợp với đồng đất quê mình, điều quan trọng nữa là phải trồng cây con mà thị trường có nhu cầu, từ đó sẽ làm giàu trên quê hương”.
Ông Tạ Đình Cửu, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Vân Hòa cho biết “Ông Bằng là một trong những hội viên NCT xã miền núi Vân Hòa làm giàu trên quê hương, trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục phát triển mạnh phong trào làm giàu trong hội viên từ đồng đất quê hương, và ông Bằng là tấm gương để các Hội viên noi theo./.
Hồng Đạt - Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Vì