Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Làm giàu nhờ trồng nho Hạ Đen

Những tưởng cây nho chỉ sinh trưởng, phát triển ở các tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, thế nhưng, ông Nguyễn Văn Nội (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, ngưỡng mộ khi đưa giống nho Hạ Đen về trồng ngay trên mảnh đất của gia đình.



Trong một ngày đầu tháng 3, chúng tôi tìm về thôn Cổ Thượng, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội để tìm hiểu về mô hình trồng nho Hạ Đen. Sau khoảng gần 1 giờ đồng hồ đi xe, qua lời chỉ dẫn của người dân xã Phương Đình, chúng tôi đã tìm được vườn nho của gia đình ông Nguyễn Văn Nội. Từ xa, vườn nho của ông Nội xanh mướt một màu khiến cho chúng tôi càng thêm tò mò về sự phát triển của giống nho Hạ Đen trên đất Bắc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nội cho biết, trong một lần xem tivi, ông tình cờ thấy ti vi phát sóng chương trình trồng thử nghiệm cây nho Hạ Đen. Nhận thấy đây là giống cây mới, thị trường tiêu thụ rộng mở nên ông đã quyết định liên lạc với Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang để tìm hiểu cách trồng. Sau quá trình tham quan, học hỏi, tháng 3/2019, ông Nội đã trồng thử nghiệm 100 gốc nho Hạ Đen trên chính mảnh đất của gia đình.

Ông Nội kể, ngày mới đưa cây nho Hạ Đen về trồng, ông nhận nhiều sự chỉ trích của mọi người. Thời điểm đó, nhiều người nghĩ ông ngớ ngẩn vì từ trước tới giờ chưa ai trồng được cây nho tại huyện Đan Phượng nói riêng cũng như Thành phố nói chung. Thế nhưng, sau 2 năm, vợ chồng ông Nội đã chứng minh cho mọi người thấy chỉ cần có sự quyết tâm và chăm chỉ thì sẽ làm nên tất cả. Cứ như vậy, dưới đôi bàn tay của ông Nội, những gốc nho bắt đầu đâm chồi non, trưởng thành rồi ra hoa, kết trái khiến biết bao người dân thôn Cổ Thượng không tin vào mắt mình, mọi người không ngờ rằng ông Nội lại có thể bắt cây nho “đẻ” ra hàng chục chùm nho to, đẹp đến vậy.

Để có được vườn nho khỏe mạnh như hiện tại, ông Nội phải học hỏi kỹ thuật ở nhiều nơi. Dù nhận được sự giúp đỡ của trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, thế nhưng vợ chồng ông Nội vẫn tới trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu về kỹ thuật trồng nho Hạ Đen. Cùng đó, vợ chồng ông Nội cũng bỏ ra hàng chục triệu đồng để tham gia khóa học kỹ thuật chăm sóc cây nho của kỹ sư người Trung Quốc. Trong năm đầu tiên trồng thử nghiệm, mọi vấn đề về sâu bệnh hại, kỹ thuật giúp nho sinh trưởng và phát triển ông Nội đã nắm trong lòng bàn tay. Hiện tại, ông đã có thể tự tin chăm sóc vườn nho của mình mà không cần sự trợ giúp của kỹ sư người nước ngoài.

Ông Nội cho hay, trong năm 2019, mô hình nho Hạ Đen được chuyển giao tới một số điểm như Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Sơn La, Cao Bằng, Tuyên Quang. Riêng Hà Nội có 2 mô hình thí điểm là Đan Phượng và Sơn Tây nhưng đến nay chỉ thấy mô hình của vợ chồng ông đem lại hiệu quả, còn vườn nho thí điểm ở Sơn Tây dường như đã thất bại. Do đó, việc nắm được kỹ thuật chăm sóc nho là rất quan trọng, nếu không hiểu được những đặc điểm của cây nho thì cây nho sẽ rất dễ gặp sâu bệnh hại, nếu có quả năng suất cũng rất thấp.

“Thời gian đầu mới trồng, hầu như ngày nào vợ chồng tôi cũng có mặt ở vườn nho để chăm sóc và theo dõi sự sinh trưởng của cây nho. Mình vừa làm phải vừa để ý sâu bệnh, cây nho rất kị nước nên với những vùng đất trũng, tôi phải đào rãnh cao, thiết kế bạt phủ luống để làm giảm lượng nước ngấm xuống gốc cây. Đặc biệt, nếu xác định trồng loại nho này thì phải có hệ thống mái che; hệ thống tưới nhỏ giọt; vườn cũng phải thường xuyên làm cỏ thì cây nho mới sống được”- ông Nội nói.

Cũng do xuất thân từ nghề trồng đào, quất nên ông Nội chẳng nề hà việc gì, từ ngày có vườn nho, toàn bộ đào quất ông đều thuê người làm để tập trung vào phát triển giống cây khó tính này. Ông Nội nói với chúng tôi, việc chăm sóc cây nho này khá đặc biệt, nếu như làm đào, quất có thể học lỏm được thì cây nho này lại thiên về yếu tố kỹ thuật, nhất là thời điểm nho ra hoa, do đó không thể nào nhìn qua mà bắt chước được.

Vốn mong muốn đưa đến người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng, vợ chồng ông Nội đã sử dụng các sản phẩm phân chuồng và phân bón hữu cơ để bón cho cây nho. Để thuận tiện cho việc chăm sóc cây, vợ chồng ông Nội đã tự thiết kế, xây dựng hệ thống ủ phân hữu cơ từ đậu tương ngay trong vườn.

Với quy trình chế tạo phân bón hữu cơ từ đậu tương, ông Nội sẽ phải bỏ ra chí phí cao so với các loại phân hóa học, tuy nhiên, để tránh làm hại đất trồng nên vợ chồng ông chấp nhận bỏ ra chi phí lớn để đưa về những chùm nho chất lượng cung cấp cho người tiêu dùng.

So với các loại cây khác, giống nho Hạ Đen đưa lại thu nhập cao gấp nhiều lần. “Giống nho này rất nhanh được thu, thông thường khoảng 8 tháng trồng đã cho thu hoạch. Trong khi đó, một năm nho có đến 2 vụ vào tháng 5 và tháng 10 âm lịch. Chính vụ tháng 5 cho năng suất cao hơn do có thời gian ngủ đông dài vài tháng nên quả to, chùm nho cũng đều hơn”- ông Nội chia sẻ.

Trong năm đầu tiên trồng 100 gốc nho Hạ Đen, gia đình ông Nội đã thu hoạch được khoảng 5 tạ nho đen không hạt. Thời điểm đó, nhiều người vừa muốn tham quan, vừa muốn mua nho ăn nên ông Nội chủ yếu bán cho khách tới tham quan vườn với giá khoảng 130 nghìn đồng/kg. Có những ngày khách tìm đến nhiều, vợ chồng ông Nội không có đủ nho để bán, phải hẹn khách vài ngày quay lại để nho được chín hơn.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế lớn từ loại nho không hạt này đem lại, vợ chồng ông Nội quyết định nhân rộng diện tích trồng nho. Từ 100 gốc nho ban đầu, tới hiện tại, vợ chồng ông Nội đã có trên 700 gốc nho trên diện tích 6 sào. Trong vụ mùa tháng 5 tới đây, 1 sào nho trên 3 năm của ông sẽ đi vào thương mại, cho sản lượng từ 7 – 8 tạ quả/ sào. Còn lại 2 vườn nho 600 gốc trồng được 2 năm cũng sẽ đạt khoảng 5 tạ/ sào. Như vậy, nếu trừ chi phí, vợ chồng ông Nội sẽ thu được khoảng từ 40- 45 triệu đồng/ sào nho trong 1 vụ.

Thời gian tới, bên cạnh việc phát triển thương mại giống nho Hạ Đen, vợ chồng ông Nội cũng dự tính sẽ đầu tư phát triển du lịch. “Ngay từ khi 100 gốc nho được thu, rất nhiều người đã đến tham quan chụp ảnh với vườn nho. Không chỉ có người dân địa phương mà còn có những du khách phương xa. Tôi không ngần ngại gì mà đồng ý vì tôi cũng muốn mọi người được tận mắt chứng kiến những chùm nho ngon ngọt ngay trên mảnh đất quê hương”- ông Nội cho hay.

Tuy nhiên, hiện tại, hơn 6 sào nho chỉ có thể phát triển thương mại, nếu kết hợp cả du lịch sẽ làm ảnh hưởng tới cây. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, ông Nội sẽ dành riêng một khu đất để trồng những giàn nho phẳng, kết hợp trồng thêm hoa và dâu tây để du khách có thể vừa tham quan, chụp ảnh vừa trải nghiệm hoạt động hái trái cây ngay tại vườn, từ đó, nâng cao hiệu quả từ giống nho Hạ Đen này./.

Theo laodongthudo.vn