Phát hiện nhiều vi phạm
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, cùng với việc triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn; vận động doanh nghiệp, người dân đầu tư, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh công tác lấy mẫu, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, tập trung vào nhóm nguy cơ cao (sản phẩm tươi sống phục vụ tiêu dùng hằng ngày của người dân). Theo đó, các đơn vị của Sở đã lấy tổng số 375 mẫu thực phẩm để giám sát chất lượng.
Hiện, đã có kết quả của 105 mẫu, trong đó ghi nhận 6 mẫu vượt ngưỡng hàm lượng các chất cho phép. Cụ thể, 4 mẫu thủy sản phát hiện có chứa Leucomalachite Green, Ractopamine và hàm lượng cadimi vượt ngưỡng; 1 mẫu thịt gà phát hiện Salmonella. Ngoài ra, còn có 1 mẫu rau chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrin vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép.
Giám đốc Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Bùi Thanh Hương thông tin thêm, trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tiếp nhận và phân tích 236 mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ công tác chứng nhận chất lượng sản phẩm. Việc kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là sản phẩm tươi sống như rau, thịt cung cấp ra thị trường.
Cùng với lấy mẫu thực phẩm phục vụ giám sát chất lượng, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 205 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Theo đó, đã có 23 cơ sở vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền gần 386 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa hoặc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm, ghi sai nhãn sản phẩm...
Ở góc độ địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, từ đầu năm đến nay, huyện đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.040 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và cung cấp dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn, qua đó kịp thời nhắc nhở 106 cơ sở và xử phạt 1 cơ sở vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tiếp tục giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất
Hiện nay, tuy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến nhưng trong quá trình kiểm tra vẫn còn vi phạm. Do đó, để quản lý chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, các địa phương cần giám sát từ khâu sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, an toàn. Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thực phẩm, hợp tác xã luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, từ khâu làm đất đến việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ; yêu cầu thành viên hợp tác xã thực hiện ghi chép sổ theo dõi từ sản xuất đến thu hoạch và khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cả truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp để chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống và người dân nâng cao ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Mặt khác, huyện tăng cường công tác lấy mẫu giám sát thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao trên diện rộng; phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tham mưu với thành phố kiện toàn, tổ chức lực lượng quản lý chất lượng thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ nâng cấp hệ thống trang thiết bị kiểm nghiệm hiện đại, tiến tới mở rộng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm, nâng cao chỉ tiêu được công nhận, chỉ định, phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng an toàn thực phẩm; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ; liên kết chuỗi để giám sát chất lượng từ khâu sản xuất tới tận bàn ăn…
“Ngoài ra, các đơn vị chức năng của Sở Nông nghiệp & PTNT cũng sẽ tăng cường giám sát quy trình công nhận chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, kiểm tra chặt chẽ việc cho phép lưu hành các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… để vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sản xuất, vừa góp phần tạo ra những sản phẩm an toàn thực sự phục vụ người tiêu dùng”, ông Chu Phú Mỹ khẳng định./.
TA (Theo Báo HNM)