Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, các đơn vị thuộc Sở đã thực hiện đánh giá, xếp loại 2.826 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý. Trong đó, 51 cơ sở được xếp loại A (loại tốt), chiếm tỷ lệ 1,8%; 2.313 cơ sở xếp loại B (loại đạt), chiếm khoảng 81,8%; còn lại 462 cơ sở xếp loại C (không đạt). Đối với các cơ sở không đạt (xếp loại C), Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tập trung hướng dẫn việc khắc phục. Hiện đã có 249/462 cơ sở được tái kiểm tra và nâng lên xếp loại B. Đối với 213 cơ sở còn lại, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội kiên quyết tạm dừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát, thông qua việc kiểm tra, đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhằm nâng cao ý thức trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản an toàn; kịp thời phát hiện vi phạm; đồng thời, các cơ sở xếp loại A, B đã được Sở NN& PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Đây là điều kiện thuận lợi để các cơ sở tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố rất lớn nhưng chủ yếu là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa áp dụng quy trình, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất, kinh doanh, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc; ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao…
Để quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và kiểm soát chất lượng nông sản bán trên thị trường, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, huyện đã xây dựng được 6 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; tăng cường kiểm tra và công khai các cơ sở bảo đảm chất lượng thường xuyên vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng; mua sắm trang thiết bị cho thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện bảo đảm làm việc hiệu quả; các xã tăng cường công tác xử lý vi phạm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu thành phố từng bước kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ cấp thành phố đến cấp xã; đẩy mạnh xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, bền vững gắn với quy hoạch vùng sản xuất tập trung; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; mở các lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; phổ biến rộng rãi chính sách pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư sản xuất, chế biến kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản…/.
NT (Theo Hà Nội mới)