Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khôi phục đàn vật nuôi sau rét đậm, rét hại

Thời gian vừa qua, rét đậm, rét hại kéo dài, cùng với mưa phùn, thời tiết ẩm thấp… đã ảnh hưởng trực tiếp đến đàn vật nuôi, làm chết hàng nghìn con gia súc, gia cầm. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, giảm thiệt hại kinh tế cho người nông dân, ngành Nông nghiệp khuyến cáo tăng cường các giải pháp ổn định sản xuất, hạn chế dịch bệnh phát sinh, khôi phục đàn vật nuôi...



6.341 con gia súc chết do rét đậm, rét hại 

Từ đầu tháng 2-2022 đến nay, nông dân cả nước bắt đầu vào vụ chăn nuôi mới, nhưng thời tiết diễn biến bất thường, giữa tháng 2 vẫn xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đợt rét đậm, rét hại giữa tháng 2 vừa qua tại khu vực Bắc Bộ đã làm chết 6.341 con gia súc, trong đó có 3.826 con trâu, 1.437 con bò...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm chết 1.355 con gia súc tại tỉnh Sơn La. Qua kiểm tra thực tế ở cơ sở cho thấy, nguyên nhân chính do một số hộ dân chưa quan tâm đến việc phòng, chống rét cho vật nuôi, không che chắn chuồng trại, lót chuồng cho gia súc...

Tại Hà Nội, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm cũng bị thiệt hại nặng nề do đợt rét đậm, rét hại vừa qua. Ông Phạm Văn Chiến ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, đầu tháng 2, gia đình ông đã mua 100 con gà giống thả vườn về nuôi, nhưng gặp đúng đợt rét đậm, rét hại, chuồng trại đơn sơ, không có hệ thống sưởi ấm cho vật nuôi nên chỉ khoảng 20 ngày sau, toàn bộ số gia cầm mới mua đã mắc bệnh và chết.

Về vấn đề này Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp &PTNT) Dương Tất Thắng cho biết, rét đậm, rét hại xảy ra ở vụ đông xuân hằng năm ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Gia súc, gia cầm bị chết do bị đói, rét kéo dài khi nhiệt độ xuống thấp kèm theo những hạn chế về chuồng trại, vệ sinh môi trường làm phát sinh dịch bệnh. Chưa kể việc vận chuyển, lưu thông gia súc, gia cầm từ vùng này tới vùng khác làm phát sinh dịch bệnh giữa các vùng, miền...

Đồng bộ nhiều giải pháp ổn định sản xuất

Thời điểm hiện tại, rét đậm, rét hại đã chấm dứt, nhưng thời tiết chuyển sang nồm ẩm kéo dài, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, đây là thời điểm các trang trại tiếp tục tăng đàn, tái đàn.

Bà Nguyễn Thị Lý ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) cho biết: "Gia đình tôi có 10 con bò sữa. Tôi đã sử dụng cám ngô trộn với cây ngô tươi nhằm bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho đàn bò; thường xuyên kiểm tra để có thể xử lý kịp thời những dấu hiệu bất thường...".

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, Ba Vì là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn. Để khôi phục đàn vật nuôi trong thời điểm chuyển mùa, ngoài tiêm vắc xin, huyện khuyến cáo người dân thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi; bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; nhập giống tại các cơ sở có uy tín, đã được kiểm định bởi cơ quan thú y; khi nhập giống cần nuôi cách ly theo dõi, nếu ổn định mới cho nhập đàn...

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để khôi phục đàn gia súc, gia cầm cần bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi và cải thiện chế độ ăn uống để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Mặt khác là thay đổi phương thức chăn thả hằng ngày đối với trâu, bò sao cho phù hợp với thời tiết khí hậu vì sau những ngày rét đậm, rét hại sẽ là những ngày mưa, nắng bất thường. Đối với chăn nuôi vịt theo phương thức chăn thả đồng, ao hồ, cần kiểm tra nguồn nước, mức độ ô nhiễm nước... sau những ngày mưa rét để hạn chế dịch bệnh...

Còn Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp &PTNT) Dương Tất Thắng lưu ý: Người dân không nên chủ quan, lơ là việc chăm sóc, quản lý vật nuôi trước, trong và sau những ngày rét đậm, rét hại. Sau khi kết thúc từng đợt rét, cần khẩn trương vệ sinh chuồng trại và cho trâu, bò thích nghi dần với khí hậu ngoài chuồng nuôi, phòng, chống bùng phát dịch bệnh. Cùng với đó, các địa phương cần chú trọng tuyên truyền để người chăn nuôi tùy theo điều kiện cụ thể, đầu tư mở rộng sản xuất; đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, chăn nuôi trang trại...

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần tiến hành tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch; tranh thủ thời tiết thuận lợi sau đợt rét đậm, rét hại để đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, tùy thuộc vào quy mô để nhập đàn, tái đàn với mức độ cho phép, phù hợp, không nên nhập ồ ạt để tránh rủi ro. Mặt khác là thực hiện việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương cũng như thực hiện các quy định về kiểm dịch, vận chuyển gia súc, gia cầm của cơ quan chức năng; qua đó sớm ổn định sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

NB (Theo Báo HNM)