Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khó kiểm soát vật tư nông nghiệp

Vật tư nông nghiệp là yếu tố đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát loại hàng hóa này gặp vô vàn khó khăn, trong khi có quá nhiều mẫu mã, chủng loại vật tư nông nghiệp đang lưu thông trên thị trường.



 

 

 

Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp như: Giống cây trồng, phân bón... còn bất cập và xảy ra nhiều vi phạm, đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Năm qua, các đơn vị trực thuộc Bộ đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 5.013 cơ sở, phát hiện 746 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, đã xử phạt vi phạm hành chính 214 cơ sở với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng. Tương tự, các tỉnh, thành phố đã kiểm tra 34.538 cơ sở, xử phạt 49,7 tỷ đồng của 6.309 cơ sở vi phạm... Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra 6.459 hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, kết quả có 962 trường hợp vi phạm với những lỗi chủ yếu như: Sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn ghi trên nhãn mác; không bảo đảm thời gian cách ly...

Trao đổi về những khó khăn trong công tác quản lý của địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho biết: Do kinh phí dành cho công tác kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là Chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế, vì vậy việc kiểm tra chưa thường xuyên. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, nên càng khó kiểm tra. Đáng lo hơn khi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân về tác hại của việc sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng...

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm cho biết, việc quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người sản xuất còn nhiều điều đáng bàn. Toàn xã Văn Đức có 250ha trồng rau xanh với 1.000 hộ dân tham gia nên hằng năm sử dụng lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, có gần 1.800 hoạt chất với hơn 4.000 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật nên nông dân khó biết đâu là sản phẩm chuẩn, dẫn đến sử dụng vô tội vạ các loại thuốc để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng...

Để quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường và hạn chế tối đa việc người dân dùng sản phẩm không đúng cách, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Hoàng Trung kiến nghị, bộ, ngành liên quan cần siết chặt và tăng cường công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật và phân bón ở mọi khâu. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ rà soát danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam và đề xuất loại bỏ các thuốc độc hại, hiệu lực thấp, nguy cơ cao để lại dư lượng trong nông sản thực phẩm ra khỏi danh mục. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn các địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các loại vật tư này.

Đồng thời, ông Hoàng Trung đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm của người sử dụng vật tư nông nghiệp; tổ chức tập huấn cho nông dân kỹ thuật sử dụng các loại vật tư nông nghiệp hiệu quả, thực hiện quy trình sản xuất an toàn; thu gom và xử lý bao bì sau sử dụng. Cùng với đó, đẩy mạnh việc thanh tra đột xuất về vật tư nông nghiệp, kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định.../.

NB (Theo HNM)