Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khát vọng làm giàu từ nông nghiệp sạch

Là tiến sĩ nông nghiệp, công việc ổn định trong cơ quan nhà nước, nhưng anh Nguyễn Đức Chinh đã quyết định nghỉ việc để về xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) thuê đất trồng rau hữu cơ. Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh do anh Chinh sáng lập với mong muốn chứng minh rau hữu cơ có năng suất không thua kém canh tác thông thường và đưa sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn không qua trung gian. Vượt qua những khó khăn ban đầu, anh Chinh cùng vợ đang dần hiện thực hóa khát vọng của mình, tạo niềm tin cho nhân dân địa phương cùng làm theo.



Có thể làm giàu từ nông nghiệp hữu cơ

Khu bãi ven sông Đáy, xã Hiệp Thuận những ngày đầu tháng 5 trải một màu xanh ngút ngàn của cây trái. Tại trang trại trồng rau của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh, những luống rau ngót, muống, dền, mùng tơi, cải đỏ đều xanh mướt; trên giàn bầu, mướp, su su sai lúc lỉu...

Anh Nguyễn Đức Chinh, chủ trang trại vui vẻ chia sẻ, từng được đào tạo tiến sĩ ở Nhật Bản, công tác ở một viện nghiên cứu lớn về nông nghiệp, nhưng ước muốn đưa khoa học vào thực tiễn, anh cùng vợ và một số người bạn đã xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước để xây dựng cơ sở sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Sau khi khảo sát nhiều nơi, anh Chinh và các cộng sự đã chọn vùng đất bãi thuộc xã Hiệp Thuận để triển khai kế hoạch.

Thuê thầu từ hơn 50 hộ dân được khu đất rộng 2,5ha, anh Chinh bố trí trồng trong trang trại các loại rau theo mùa và một số cây ăn quả ngắn ngày. Quy trình sản xuất được hình thành dựa trên 3 yếu tố chính: Thuận tự nhiên, công nghệ và bản địa và tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu 5 "Không": Không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích sinh trưởng và không dùng giống biến đổi gen.

Từ xưa đến nay, làm giàu từ nông nghiệp vốn đã khó, làm giàu từ nông nghiệp hữu cơ lại càng khó hơn. Ngoài việc đối diện với nhiều rủi ro, sản xuất hữu cơ còn gặp nhiều thách thức do không dùng phân bón hóa học và các chất kích thích sinh trưởng, cây chậm lớn hơn, năng suất thấp, thường xuyên đứng trước nguy cơ bị các loại sâu bệnh. Sản xuất hữu cơ cũng tốn nhiều công lao động hơn do phải ủ phân, làm cỏ, bẫy bả để diệt côn trùng gây bệnh cho cây... Do đó, giá thành rau quả hữu cơ thường cao hơn đáng kể so với rau quả an toàn trên thị trường. Tuy nhiên, được đào tạo bài bản, anh Chinh nhận thấy nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, ngày càng phát triển. Thế giới ngày càng văn minh, người tiêu dùng không chỉ đòi hỏi cho mình, mà còn cho thế hệ mai sau. Nhóm người tiêu dùng đó đang tăng dần và đây là lý do vì sao thị trường nông sản hữu cơ thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Là người có kiến thức và kỹ thuật sản xuất, anh Chinh cho biết: “Không phải cứ sản xuất hữu cơ thì năng suất sẽ thấp và mẫu mã không đẹp bằng rau sử dụng hóa học. Canh tác nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn có thể cho năng suất cao, mẫu mã đẹp. Tôi muốn chứng minh điều đó và trang trại chính là nơi để tôi thực nghiệm”.

Anh Chinh đã chọn và áp dụng những công nghệ phù hợp vào canh tác. Trước tiên phải kể đến là công nghệ vi sinh. Phân bón hữu cơ được ủ thủ công từ trứng, dịch chuối, các vi sinh vật lợi khuẩn, phân chuồng, ủ mục tàn dư thực vật và cỏ dại… Đồng thời, anh Chinh sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động nhằm tăng hiệu quả sử dụng nước, giảm công tưới trong bảo vệ thực vật và sử dụng các túi bao trái để bảo vệ quả như bầu, mướp; dùng bẫy bả sinh học dụ và bắt côn trùng gây hại cho rau… Nhờ đó, vùng trồng rau của hợp tác xã luôn phát triển tốt, năng suất không thua kém rau canh tác thông thường.

Đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng

Không chỉ sản xuất, khâu tiêu thụ cũng không dễ dàng. Từ việc nghiên cứu thị trường và dựa trên quy mô sản xuất, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh quyết định triển khai thực hiện mô hình “từ trang trại đến bàn ăn” không qua các khâu trung gian. Cách làm này giúp giảm chi phí lưu thông. Người sản xuất có thể tiếp cận khách hàng tốt hơn, lắng nghe phản hồi từ khách hàng về sản phẩm và giám sát được “đường đi” của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Anh Chinh chia sẻ, toàn bộ sản phẩm rau được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử. Hợp tác xã có nhóm Zalo và Facebook. Trên cơ sở đó, một tuần hợp tác xã thực hiện giao hàng vào 3 ngày. Trước ngày giao hàng, các sản phẩm được đưa lên trang, lên nhóm để khách hàng lựa chọn. Hợp tác xã gom đơn, thu hoạch, đóng gói và chuyển đến người tiêu dùng trong ngày. Các khách hàng thân thiết thường đặt các gói sản phẩm để sử dụng từ 5 đến 7 ngày, vừa có giá ưu đãi, lại tiết kiệm chi phí chuyển hàng.

Mặc dù sản xuất theo quy trình hữu cơ, nhưng hợp tác xã luôn cân nhắc vấn đề lợi nhuận để giá rau đến tay người tiêu dùng không cao hơn nhiều so với giá rau thông thường. Có như vậy mới có thể cạnh tranh được các sản phẩm khác và ngày càng có nhiều người được sử dụng nông sản sạch. “Cũng có lúc, lượng rau sản xuất ra nhiều hơn so với đơn hàng, dẫn đến tình trạng dư thừa. Chẳng hạn, trong những ngày vừa qua, mưa nhiều, thời tiết thuận lợi, mùng tơi, rau muống rất tốt... Những lúc như vậy, chúng tôi lại có các chương trình khuyến mại, giảm giá cho người tiêu dùng và đó cũng là hình thức để tri ân khách hàng”, anh Chinh nói.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn rau xanh. Anh Chinh cho biết, anh đang chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình và mạng lưới tiêu thụ nông sản hữu cơ cho mọi người để cùng xây dựng vùng trồng hữu cơ lớn mạnh. Đó cũng là cách để ngày càng có thêm nhiều người được sử dụng nông sản chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng sống.

Sản xuất ổn định, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh đang tạo việc làm cho 8 lao động, trong đó có 3 người bị khuyết tật câm, điếc. Bà Nguyễn Thị Luận làm việc tại hợp tác xã tâm sự: “Mỗi ngày công chúng tôi nhận được 200.000 đồng, tháng làm đủ công được từ 5 đến 6 triệu đồng. Ở đây, người trẻ khỏe đều đi làm việc cho các công ty, doanh nghiệp hoặc nhanh nhẹn thì chạy chợ. Những phụ nữ lớn tuổi như chúng tôi khó tìm được việc làm trong doanh nghiệp, chỉ công việc đồng áng là phù hợp nhất”. Các lao động làm cho hợp tác xã đều là người địa phương và nhiều người có ruộng cho hợp tác xã thuê, thu nhập cao hơn so với tự trồng ngô, trồng lạc trước kia.

Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận Nguyễn Xuân Tâm nhận định, những năm gần đây, người dân trong xã phát triển nhiều nghề và kinh doanh dịch vụ, nên không mặn mà với ruộng đồng. Những mô hình tích tụ đất đai để sản xuất bài bản như Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Gen xanh là điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp địa phương để lan tỏa và nhân rộng./.

TA (Theo Báo HNM)