Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khẩn trương xử lý vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi

Trong nội dung Công văn số 1801/SNN-TL, ban hành ngày 12/6, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị UBND các huyện, thị xã, UBND các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên và các doanh nghiệp thủy lợi thành phố chỉ đạo xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.



Tính đến hết tháng 4/2020, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 11.451 vụ vi phạm các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và 1.813 vụ xả chất thải vào công trình thủy lợi. Các vụ vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, nhà xưởng, lều lán, trồng cây; đổ rác thải, chất thải và các vụ vi phạm khác.

Mặc dù số vi phạm nhiều, nhưng kết quả xử lý giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố còn thấp, mới giải tỏa 2.566 vụ vi phạm. Các vi phạm được xử lý chủ yếu là hình thức lập biên bản, nhắc nhở hoặc phạt cảnh cáo, hộ vi phạm tự giác tháo dỡ.

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp thủy lợi căn cứ chức năng nhiệm vụ, tiếp tục triển khai thực hiện Luật Thủy lợi, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi và các quy định có liên quan. Trong đó, chú trọng đến các nội dung liên quan đến phương án bảo vệ công trình thủy lợi, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi...

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm công trình thủy lợi đảm bảo đúng các trình tự, thủ tục và thẩm quyền, đặc biệt các vi phạm như đổ rác thải, chất thải, xả nước thải vào công trình thủy lợi, xử lý kịp thời, dứt điểm không để tái vi phạm. Rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; ngăn chặn kịp thời các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép theo quy định.

UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp thủy lợi kiểm tra, rà soát các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tổng hợp theo từng tháng và quý, năm, báo cáo thường xuyên về Sở Nông nghiệp & PTNT để Sở tổng hợp báo cáo UBND thành phố và Bộ Nông nghiệp & PTNT. Huy động các nguồn lực để thực hiện công tác bảo vệ công trình; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ công trình thủy lợi.

Ngoài ra, công khai tình hình vi phạm và xử lý vi phạm; biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong xử lý vi phạm; phê phán các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định về xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin của địa phương hằng tháng. Tiếp tục thực hiện các nội dung Văn bản số 1322/SNN-TL ngày 8/5/2020 của Sở Nông nghiệp & PTNT về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi./.

Theo Cổng GTĐT Hà Nội