Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khẩn trương phục hồi sản xuất sau mưa, úng

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội vừa ban hành công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các đơn vị trực thuộc Sở về việc khẩn trương phục hồi sản xuất sau mưa, úng.



Theo đó, từ ngày 8 - 9/9/2022, mưa lớn kết hợp lũ rừng ngang đổ về nên gây ngập úng một số diện tích sản xuất nông nghiệp của các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức. Theo báo cáo nhanh của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng khoảng 631 ha; diện tích thiệt hại từ 50 - 70% là 25 ha; diện tích mất trắng 76,1 ha. Diện tích rau bị dập nát là 64 ha, diện tích rau mất trắng 6,8 ha.

Để khẩn trương phục hồi sản xuất sau mưa, úng, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã:

- Khẩn trương chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phục hồi sản xuất sau ngập úng: Nhanh chóng thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa, rau màu bị ngập úng có khả năng thu hoạch. Đối với những diện tích bị ngập có thể tiêu thoát nước nhanh chóng thực hiện các biện pháp tiêu úng, khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên đồng ruộng, dựng lúa cột thành bó để chống đổ. Hạn chế mức tối đa không để lúa và rau màu bị ngập úng trong thời gian dài. Đối với những diện tích bị ngập có nguy cơ mất trắng đợi rút hết nước tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất triển khai vụ Đông sớm.

- Sau khi nước rút tiến hành vệ sinh đồng ruộng. Tăng cường chăm sóc, bón bổ sung  phân NPK tổng hợp cho rau, màu để cây phục hồi, phát triển tốt.

- Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ. Tổ chức phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ kịp thời, hiệu quả, không để bệnh lây lan, gây hại trên diện rộng.

Sở Nông nghiệp & PTNT giao các đơn vị trực thuộc Sở:

- Giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chú ý tình hình sản xuất tại các diện tích có nguy cơ úng ngập để kịp thời tham mưu các biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra và chủ động khôi phục sản xuất sau mưa bão. Tăng cường công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo chính xác, hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng trừ sâu bệnh cuối vụ kịp thời, an toàn, hiệu quả.

- Các đơn vị trực thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương khẩn trương phục hổi sản xuất sau ngập úng./.

NT (TH)