Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khai thác 'mỏ vàng' từ chất thải chăn nuôi: Tài nguyên quý giá của nhiều nước phát triển

Ở nhiều nước phát triển trên thế giới như Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Mỹ... các trang trại chăn nuôi thường có sàn thoáng, bể chứa phân và nước tiểu ở dưới.



Người chăn nuôi hầu như không sử dụng nước tắm lợn và nước rửa chuồng. Khi bể chứa phân dưới sàn chuồng đầy (khoảng 30 - 40 ngày), chủ trang trại sẽ rút phân lỏng tự động qua một hệ thống áp lực âm đến một bể chứa chất thải lỏng. Chất thải lỏng đậm đặc sẽ được tái sử dụng bằng các biện pháp xử lý khác nhau phù hợp với nhu cầu của từng địa bàn. Có 2 biện pháp chủ yếu để xử lý chất thải lỏng của chăn nuôi lợn:

Thứ nhất là làm phân hữu cơ. Ở các nước phát triển như Đan Mạch, Hà Lan, do chăn nuôi sử dụng rất ít nước nên chất thải lỏng thường khá đậm đặc, do vậy, có thể sử dụng xe bồn để vận chuyển chất thải lỏng hiệu quả và có hệ thống chuyên dụng bơm mạnh để đẩy chất thải lỏng đậm đặc vào đất làm cho các chất dinh dưỡng được thấm sâu vào đất, hạn chế bị rửa trôi và giảm ô nhiễm mùi hôi khó chịu.

Ngoài ra, có thể tưới trực tiếp bã thải hoặc nước thải lên bề mặt đồng cỏ và để ít nhất sau 20 ngày mới cho gia súc sử dụng đồng cỏ này (European Commission, 2002). Ở một số nước châu Âu, các trang trại chăn nuôi còn có hình thức bán chất thải lỏng cho các trang trại trồng trọt giúp làm tăng thu nhập cho người chăn nuôi (IAEA, 2008).

Nhìn chung, nhiều nước phát triển ở châu Âu cho phép các chủ trang trại vận chuyển và sử dụng phân lỏng chưa qua xử lý từ những trang trại an toàn dịch bệnh để tưới cho các trang trại trồng trọt. Nhiều nước còn quy định chủ trại chăn nuôi phải đưa ra các tài liệu minh chứng có đủ diện tích trồng trọt để sử dụng hết phân lỏng.

Tiêu chuẩn châu Âu (EC, 2002) có một số quy định bổ sung để xử lý phân lỏng ở những trang trại có nguy cơ dịch bệnh như xử lý nhiệt ở 70 độ C trong 1 giờ hoặc 133 độ C trong 20 phút hoặc để thời gian tối thiểu 6 tháng trước khi sử dụng (Hickman at al., 2009).  

Sản xuất năng lượng

Ngoài ra, chất thải chăn nuôi còn được các quốc gia phát triển tận thu để làm năng lượng sinh học và phân bón hữu cơ. Một số trang trại có nhu cầu phát điện khí sinh học sẽ đưa chất thải chăn nuôi xuống hầm biogas quy mô lớn để sinh khí gas nhằm chạy máy phát điện.

Ở những nước có giá thành điện lưới cao và cho phép điện khí sinh học được nối mạng điện lưới quốc gia để bán điện như Đức, Áo, Trung Quốc (Chính phủ có trợ giá)... thì việc sử dụng chất thải chăn nuôi lợn phát điện là khá phổ biến.

Nước thải sau biogas có thể được sử dụng để tưới cho cây trồng. Một số nghiên cứu về hàm lượng các chất dinh dưỡng của nước xả sau biogas cho thấy, hàm lượng chất dinh dưỡng khá cao, không thua kém nhiều phân bón hữu cơ.

Cụ thể, nước xả sau biogas có hàm lượng chất khô dưới 1% có hàm lượng Ni tơ tổng số là 0,7 kg/m3, P2O5 là 0,24 kg/m3, K2O là 1,22 kg/m3 và việc sử dụng nước xả sau biogas tưới cho cây trồng cũng đem lại hiệu quả tăng năng suất rõ rệt.

Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác đã có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính và ban hành các quy trình kỹ thuật nhằm hướng dẫn người dân sử dụng nước xả sau biogas để tưới cho các loại cây trồng khác nhau.

Ở một số nơi còn sử dụng máy tách ép phân nhằm tách bớt chất thải rắn để làm phân hữu cơ trước khi đưa nước thải chăn nuôi xuống hầm biogas. Tất cả những hoạt động xử lý môi trường trên đều được thiết kế phù hợp với nhu cầu tái sử dụng chất thải chăn nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho chủ trang trại./.

 NB (Theo Báo NNVN)