Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đến hết tháng 6 năm 2020

Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận; nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường Quốc tế.


Đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội trao Quyết định công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao cho các chủ thể

Đây chính là cơ sở tiềm năng lựa chọn sản phẩm để hoàn thiện, đánh giá phân hạng và dự thi sản phẩm OCOP đối với thành phố Hà Nội.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành Thành phố, các quận, huyện, thị xã; tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm và sáng tạo của các thành viên Tổ tư vấn, thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cấp huyện đến Thành phố; sự nhiệt tình của các chủ thể sản phẩm OCOP và sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị tư vấn trong việc hướng dẫn các chủ thể nâng cấp chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm góp phần giúp UBND Thành phố thực hiện hoàn thành và vượt Kế hoạch Chương trình OCOP năm 2019 đề ra.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020, thành lập Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020;  Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đến năm 2020. Đến nay 100% các quận, huyện, thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện.

Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố đã tham mưu tổ chức công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể: Tổ chức 29 hội nghị triển khai từ Thành phố đến cơ sở nhằm mục đích quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình OCOP; Tổ chức 31 lớp đào tạo, tập huấn về Chương trình OCOP cho đối tượng là cán bộ làm công tác thực hiện Chương trình OCOP từ thành phố đến cơ sở và các chủ thể tham gia Chương trình. Tổ chức 02 đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm triển khai Chương trình OCOP trong nước tại các tỉnh bạn và 01 đoàn đi học tập Chương trình OTOP tại Thái Lan. Tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Hội chợ triển lãm tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô với khu trưng bày những sản phẩm ưu tú tiềm năng dự thi OCOP trên 1000 m2 có hàng nghìn sản phẩm của hơn 100 chủ thể, gồm các sản phẩm nông sản tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ uống, thảo dược, lưu niệm trang trí; sản phẩm thủ công mỹ nghệ quà tặng, khảm trai, mây tre, sơn mài, lụa, gốm sứ ... Đồng thời tổ chức trưng bày, giới thiệu trên 250 sản phẩm của hơn 70 chủ thể tham gia Diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu và Hội chợ Quốc tế OCOP năm 2019 tại thành phố Hồ Chí Minh; trên 200 sản phẩm của 10 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Nghệ An. Tổ chức 04 hội thảo kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP tại huyện Thường Tín, Big C Thăng Long và phố đi bộ Trịnh Công Sơn quận Tây Hồ. Tổ chức tôn vinh các chủ thể sản phẩm OCOP tại Festival Sản phẩm Nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ I tại số 489 Hoàng Quốc Việt, nhằm kịp thời động viên, khích lệ các chủ thể tham gia dự thi và được cấp sao sản phẩm OCOP. Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền bước đầu được người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP và đánh giá cao về chất lượng, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô.

Năm 2019, thành phố Hà Nội đã có 18/30 quận, huyện, thị xã triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận tổng số là 316 hồ sơ sản phẩm; sau khi cấp huyện tiến hành đánh giá, phân hạng có 301 hồ sơ sản phẩm đạt yêu cầu dự thi cấp Thành phố. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị sản phẩm dự thi cấp Thành phố của các quận, huyện, thị xã. Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố đã tiến hành rà soát, kiểm tra hồ sơ và đánh giá 301 sản phẩm của cấp huyện dự thi đảm bảo theo quy định. Kết quả năm 2019, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng tổng số 301 sản phẩm, trong đó có 06 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao; đạt 100,3% kế hoạch năm 2019.

Nhìn chung công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội (từ cấp quận, huyện đến Thành phố) đã được thực hiện khách quan, minh bạch, công khai đảm bảo đúng quy trình hướng dẫn của Trung ương tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Điển hình trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo của các quận, huyện tham gia đánh giá là huyện Đông Anh là đơn vị đánh giá sản phẩm đầu tiên của Thành phố nhưng rất bài bản, khoa học từ việc bố trí kinh phí và phương pháp tổ chức thực hiện; các quận, huyện, thị xã còn lại tuy triển khai sau nhưng đã tích cực vào cuộc và có sự chỉ đạo đồng bộ trong hệ thống chính trị, nổi bật như Gia Lâm, Thường Tín, Chương Mỹ, Thanh Trì,…

Vừa qua, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố quyết định công nhận sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp thành phố cho 275 sản phẩm OCOP của 66 chủ thể.

Trong đó, thành phố đã công bố 4 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao (thành phố đang đề nghị trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia); 194 sản phẩm đạt 4 sao và 77 sản phẩm đạt 3 sao. Một số sản phẩm tiêu biểu gồm: Gốm sứ Bát Tràng; gạo Bắc thơm số 7 của Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng; gạo hữu cơ Đồng Phú của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú; các loại rau mầm của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà; nấm kim châm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoco Thanh Cao sữa bò tươi của Hợp tác xã chế biến bò sữa Phù Đổng; bún gạo của Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương,...

Đây là đợt công bố sản phẩm OCOP lần thứ hai của thành phố Hà Nội kể từ cuối năm 2019 đến nay và là đợt công bố sản phẩm đầu tiên trong năm 2020.

Trước đó, cuối năm 2019, thành phố Hà Nội đã công bố và trao quyết định công nhận 26 sản phẩm OCOP, như vậy tổng số các sản phẩm OCOP được công bố và trao quyết định công nhận là 301 sản phẩm (bao gồm: 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao). Kết quả phân hạng sản phẩm OCOP có giá trị trong vòng 36 tháng kể từ ngày thành phố Hà Nội ký ban hành quyết định.

Từ nay đến hết năm 2020, bên cạnh việc triển khai rà soát đánh giá phân hạng các sản phẩm mới dự thi, các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng năm 2019 để dự thi nâng sao, hoàn thiện và tổ chức đánh giá, phân hạng 700 sản phẩm trở lên; Lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu để hoàn thiện nâng cấp dự thi cấp Thành phố năm 2020. Hoàn thiện hồ sơ những sản phẩm tiềm năng 5 sao được đánh giá phân hạng năm 2019 và 2020 trình Thành phố để dự thi đánh giá của Trung ương; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm  OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online...; Tập trung đào tạo tập huấn cho cán bộ quản lý và các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Tuyên truyền Chương trình OCOP trên các phương tiện truyền thông, mở rộng tuyên truyền trên mạng xã hội; phát hành ấn phẩm sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội năm 2019. Thành phố sẽ nâng cấp phần mềm hệ thống truy suất nguồn gốc thực phẩm nông sản, trang điện tử nongthonmoihanoi.gov.vn; Xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp huyện, xã. Đồng thời, thành phố hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm OCOP, tiếp tục triển khai thêm các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương cho sản phẩm OCOP./.

Trung Xuân