Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025

Để hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn Thành phố, ngày 30/11/2020, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 5343/QĐ-UBND về kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025.



Theo đó, nội dung Kế hoạch tập trung vào tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ xã, HTX và nông dân tiêu biểu, tổ chức đào tạo cho 390 học viên bao gồm các nông dân sản xuất tiêu biểu, thành viên đại diện của các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh, cơ sở chế biến tiêu thụ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản bưởi, sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGap.

Tập huấn kỹ thuật cho 5.500 nông dân, chủ trang trại về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, nhận biết và phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản bưởi. Hàng năm tổ chức đoàn cán bộ, công chức, viên chức đi công tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương điển hình về sản xuất, tiêu thụ bưởi ở trong nước.

Hỗ trợ sản xuất, trồng mới 200ha một số giống bưởi, trong đó, năm 2021 (23ha), năm 2022 (52ha), năm 2023 (45ha), năm 2024 (40ha), năm 2025 (40ha) tại các vùng trồng bưởi tập trung tại Hà Nội của các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Phú Xuyên.

Ứng dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô 150ha, thâm canh bưởi hữu cơ với diện tích 15ha, cấp mã 02 – 03 vùng trồng trên hệ thống/tiêu chuẩn OTAS…

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu trên báo Trung ương và Hà Nội, xây dựng phóng sự phát trên Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội về kết quả sản xuất, tiêu thụ bưởi; Tổ chức hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết về kế hoạch phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số bưởi đặc sản Hà Nội…

Thành phố giao Sở Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm nội dung trình duyệt của Kế hoạch, chủ trì, phối hợp với Sở Tài Chính và các sở, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả không trùng lặp với các nội dung, nhiệm vụ được giao và thực hiện hỗ trợ đảm bảo đúng chế độ, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức theo đúng quy định của pháp luật; Tổng hợp kết quả thực hiện, tham mưu báo cáo UBND thành phố theo quy định.

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp Sở Nông nghiệp &PTNT, các sở, đơn vị liên quan trình thực hiện tổ chức kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển trồng mới một số giống bưởi đến năm 2025 là 200ha (bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi Thồ Bạch Hạ…);

Phấn đấu 100% diện tích sản xuất bưởi an toàn, trong đó 30 – 40% diện tích sản xuất bưởi đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, hữu cơ;

Áp dụng quy trình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để nâng cao năng suất, chất lượng mẫu mã quả;

Xây dựng 02 – 03 cơ sở phát triển sản xuất bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm;

Xây dựng và duy trì được từ 03 nhãn hiệu bưởi tập thể;

Đào tạo, tập huấn cho 6.390 người trong đó: Đào tạo 390 cán bộ, nông dân tiêu biểu, 5.500 nông dân tham gia về quản lý, kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi;

Đến năm 2025 cấp 02 - 03 mã OTAS (mã số toàn cầu truy xuất nguồn gốc) cho các vùng sản xuất bưởi tập trung.

Đặng Diện (tổng hợp)