Trên cơ sở kết quả đạt được, cho ý kiến về một số nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo, về thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, huyện Thường Tín tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Thực hiện nghiêm Thông báo số 2555-TB/TU, ngày 7/4/2020, của Thành ủy về kết luận buổi làm việc của đồng chí Bí thư Thành ủy với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan về tình hình sản xuất nông nghiệp; Thông báo số 2588-TB/TU ngày 12/5/2020 của Thành ủy về kết luận Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU và các cơ quan, đơn vị liên quan 4 tháng đầu năm 2020. Trong đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, đảm bảo giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 tăng trên 4,6%, phấn đấu đạt 5-6%; góp phần cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho thị trường thành phố. Kịp thời thu hoạch vụ Xuân, chuẩn bị tốt các điều kiện để sản xuất vụ Mùa được thuận lợi, vượt kế hoạch đầu năm đề ra. Tiếp tục đảm bảo diện tích, sản lượng lúa, hoa màu, cây ăn quả; phát triển chăn nuôi, các vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư; tái đàn, tăng số lượng đàn lợn; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai; phòng, chống sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm, không để tình trạng đất canh tác bỏ hoang, gây lãng phí; tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đất để phát triển nông nghiệp.
Huyện Thường Tín cần phát huy thế mạnh của các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Tăng cường đầu tư cho công tác tuyên truyền, xây dựng và quảng bá thương hiệu làng nghề. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển hơn nữa các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, bao tiêu sản phẩm. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP đối với 59 sản phẩm tiềm năng. Thường Tín là địa phương có rất nhiều làng nghề nổi tiếng của Hà Nội và cả nước, do vậy, cần tập trung hơn nữa để hỗ trợ công nhận các sản phẩm, phấn đấu trong năm 2020 có 100 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP.
Huyện Thường Tín cũng cần đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/500 trung tâm xã và quy hoạch chi tiết 1/500 điểm dân cư nông thôn, hoàn thành trong quý III năm 2020. Xây dựng nông thôn mới theo hướng tiệm cận phát triển đô thị. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND thành phố, trước ngày 30/6/2020, để tiến hành thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới năm 2020; lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện. Đối với 4 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020 tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí ở mức cao nhất, đồng thời, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xem xét, công nhận.
Đối với xã Hồng Vân đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đồng ý với đề xuất của Hội Phụ nữ, Hội Nữ trí thức thành phố và UBND huyện Thường Tín, yêu cầu triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới Tràng An theo hướng phát triển toàn diện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, lấy văn hóa làm nền tảng, con người làm trung tâm. Huyện Thường Tín phối hợp với Hội Phụ nữ thành phố đẩy nhanh tiến độ lập, trình duyệt Đề án trong năm 2020 để sớm triển khai thực hiện…/.
TX (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)