Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Thường Tín: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Thực hiện chủ trương chuyển đổi, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung của Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín, xã Vân Tảo đã chuyển đổi mô hình sản xuất, khuyến khích nông dân phát triển mô hình trồng đào cảnh.



Đến nay, toàn xã Vân Tảo hiện có khoảng 900 hộ với gần 100 ha diện tích trồng hoa đào, tập trung chủ yếu tại thôn Đông Thai và Thôn Nội Thôn. Theo tính toán của xã thì với mỗi ha diện tích trồng đào cũng cho người dân thu nhập từ 900- 1 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã Vân Tảo đạt trên 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%. Trên cơ sở hiệu quả từ mô hình chuyển đổi từ cây lúa sang phát triển mô hình trồng hoa đào, UBND xã Vân Tảo đã quy hoạch và định hướng nhân rộng vùng trồng đào.

Trên cơ sở xác định lợi thế của từng vùng, huyện Thường Tín đã đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng ngành nông nghiệp phát triển về trồng trọt, chăn nuôi - nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở phát huy lợi thế của từng xã. Từ đó huyện tiếp tục triển khai hỗ trợ vùng sản xuất chuyên canh tập như: cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, lúa hàng hòa ở các xã Tự Nhiên, Chương Dương, Hà Hồi, Nghiêm Xuyên, Tân Minh, Thư Phú... Để đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản an toàn, huyện cũng đã hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: canh tác cải tiến SRI, phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên vào sản xuất. Từ các chương trình hỗ trợ của huyện giá trị kinh tế hàng hoá cũng được tăng lên như: giá rau ở các vùng sản xuất chuyên canh cao hơn so với giá rau các vùng thông thường từ 10 – 15%, chuối Tiêu hồng năng suất tăng  14%, cá năng suất tăng 12 – 15%....

Trên cơ sở các vùng chuyên canh, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Thường Tín cũng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể khoai tây Thường Tín, dưa chuột Ba lăng Thường tín. Đến nay, trên địa bàn huyện có đã có 5 mô hình liên kết chuỗi tại xã Ninh Sở, Lê Lợi, Văn Bình...; 14 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gồm: Mô hình nuôi trồng thủy sản xã Nghiêm Xuyên; mô hình trồng rau tại xã Tân Minh, Thư Phú, Hà Hồi; mô hình trồng cam Canh, xã Tự Nhiên.

Công tác chuyển đối cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Thường Tín được xác định là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, giải quyết lao động việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Sau 10 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về“Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện Thường Tín đã có sự liên kết giữa người dân, nhà khoa học với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất và nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản xuất hàng hóa ổn định, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân./.

TT (Theo Đài PTTH HN)