Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Thanh Oai: Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị sinh thái

Xuất phát điểm thấp có xã chỉ đạt 3-4 tiêu chí nông thôn mới (NTM), nhưng với quyết tâm chính trị cao, huyện Thanh Oai đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Đây là tiền đề vững chắc để huyện tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị sinh thái trong giai đoạn mới.



Thanh Oai nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Hà Nội. Đây là vùng đất cổ, có bề dày văn hóa, lịch sử và nền sản xuất lúa nước phát triển từ rất lâu. Trải qua thời gian, người dân nơi đây đã phát huy những tiềm năng sẵn có, biến vùng đất này trở thành vựa lúa, rau, hoa, cây ăn quả nổi tiếng khắp miền Bắc với các thương hiệu: Cam đường Kim An, gạo thơm Bối Khê, gạo Bồ Nâu… Cũng chính những lợi thế của địa phương nên trong xây dựng NTM, ngoài sự quan tâm của thành phố Hà Nội, huyện xác định phát huy nội lực là chính. Thực tiễn cho thấy, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân” luôn gắn với các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của huyện, đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Cùng với đó, huyện huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2016-2020, đã huy động hơn 2.973 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với vốn huy động giai đoạn 2010-2015. Đáng chú ý, huyện và các xã đã chủ động khai thác nguồn thu tại chỗ và huy động nguồn xã hội hóa. Từ sự đồng thuận cao, nhiều tập thể, cá nhân đã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi. Nhờ vậy, đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% trạm y tế, nhà văn hóa giữ vững đạt chuẩn; 57/74 trường đạt chuẩn quốc gia; đường trục phía Nam được đưa vào khai thác sử dụng; nhiều tuyến đường trục huyết mạch được thành phố quan tâm đầu tư như tuyến Quốc lộ 21B đoạn qua thị trấn Kim Bài, quảng trường công viên cây xanh và các đoạn còn lại, xây dựng, mở rộng đường trục kinh tế huyện Thanh Oai…, góp phần kết nối giao thông, liên kết vùng và phát triển kinh tế của địa phương.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất tập trung và triển khai thực hiện một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã có 14 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong phát triển văn hóa, xã hội, toàn huyện có 86% làng và 90% cơ quan, đơn vị văn hóa; 90% hộ gia đình văn hóa, có 2 làng văn hóa sức khỏe; 4 làng, tổ dân phố văn hoá kiểu mẫu; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 90,1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,37%.

Với những kết quả đạt được, Thanh Oai đã có 20/20 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Mới đây, Thanh Oai vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2021 và những năm tiếp theo, Thanh Oai tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong đó, huyện tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện trở thành quận sau năm 2025. Để những định hướng, mục tiêu trở thành hiện thực, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân huyện đoàn kết, thống nhất với quyết tâm khát vọng đổi mới, vươn lên để trở thành đô thị sinh thái của Thủ đô.

Theo định hướng này, song song duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất, tiêu chí môi trường, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM, huyện tập cao độ cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên nền tảng sẵn có. Huyện cũng sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch một số khu đô thị, khu công nghiệp và một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tăng năng suất, thu nhập cho người dân; tập trung phát triển các làng nghề truyền thống có giá trị kinh tế cao, có lợi thế so sánh, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của thành phố; phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ; tập trung giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp để sớm đi vào hoạt động, tạo động lực cho phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân, xây dựng chợ đầu mối nông sản và mở rộng hệ thống cửa hàng tiện ích; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn…

Bên cạnh cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, bền vững..., để tạo bước đệm hướng đến đô thị sinh thái, vừa phát huy truyền thống, vừa hiện đại, huyện sẽ mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, hợp lý, có quy mô phù hợp tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Đồng thời lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xây dựng đô thị hiện đại, văn minh. Thu hút du lịch và trở thành một điểm đến ấn tượng của Thủ đô trong hành trình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng như củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện trở thành quận sau năm 2025./.

NT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)