Theo đó, UBND các xã, thị trấn, các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch gia súc, gia cầm, thủy sản huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ Đảng viên, nhân dân, hộ chăn nuôi về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để nhân dân biết chủ động thực hiện theo phương châm "5 không" theo quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; không buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Tổ chức kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ lợn, các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tình hình dịch bệnh tới các hộ chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra tới tận thôn, xóm, tổ dân phố, bãi rác, tuyệt đối không để xác lợn chết tại các điểm tập kết rác thải, trôi nổi trên các kênh mương nội đồng, sông, hồ, đầm gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan bệnh dịch.
Kiểm tra rà soát thống kê tổng hợp số lượng cơ sở, hộ chăn nuôi lợn các hộ giết mổ, kinh doanh buôn bán, sơ chế, chế biến thịt lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Yêu cầu các cơ sở, chủ hộ chăn nuôi lợn, các hộ kinh doanh ký cam kết với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và an toàn thực phẩm.
Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, buôn bán lợn giống, thịt lợn, các sản phẩm từ lợn tại các chợ. Kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập đàn lợn vào địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan. Khi phát hiện có ổ dịch phải áp dụng đồng bộ quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả ngay từ giờ đầu và xử lý tiêu hủy theo đúng quy định.../.
NT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)