Hình thành nhiều vùng sản xuất có thế mạnh
Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện Quốc Oai phát triển khá ổn định và toàn diện, nông nghiệp và kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất ngành nông, lâm - thủy sản và thu nhập của người dân ngày càng tăng; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, phát triển đảm bảo theo cơ cấu ngành và định hướng phát triển kinh tế chung của huyện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Huyện đã hình thành các vùng sản xuất có thế mạnh, sản phẩm đặc sản của có tính cạnh tranh cao theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, ATTP; đã hình thành các chuỗi liên kết, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao như: sản phẩm Nhãn chín muộn Đại Thành; chăn nuôi lợn sinh học, trứng an toàn xã Cấn Hữu, gà đồi thả vườn Đông Yên, vùng sản xuất chè thôn Long Phú xã Hòa Thạch, Bưởi tôm đầu chua, rau an toàn thôn Quảng Yên, xã Yên Sơn.
Bên cạnh việc hình thành các vùng sản xuất, huyện Quốc Oai cũng xây dựng thương hiệu làng nghề truyền thống đối với làng nghề mộc và đục chạm thôn Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ) và thôn Yên Quán (xã Tân Phú), miến Làng So cùng với đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm), đến nay, huyện đã có 48 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao trở lên. Đồng thời, phát huy có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất như: mô hình chuyên canh nhãn chín muội xã Đại Thành, Mô hình phát triển rau an toàn tập trung, mô hình chăn nuôi gà đồi Đông Yên, mô hình lợn sinh học, sản xuất chè tập trung... đưa một số giống cây trồng vật nuôi có chất lượng cao góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Trong nông nghiệp, huyện chú trọng tăng dần tỷ trọng các ngành chăn nuôi, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt... phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là một hướng đi được ưu tiên; chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị gia tăng, kiểm soát chất lượng sản phẩm qua các khâu sản xuất,…
Các mô hình liên kết hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bên vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá... Nhờ đó, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất ngày càng cao, bình quân 11% năm. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 1.497,8 tỷ đồng, chiếm 13,5% trong cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân năm 2020 là 55 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo 0,08%, giảm 12,86%; 90% số hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước sạch, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90,1%, tăng 55,1%.
Phát triển toàn diện theo hướng hiện đại
Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, huyện Quốc Oai tiếp tục yêu cầu các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng của mỗi địa phương.
Trong đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu như: cây ăn quả; cây rau chế biến, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây dược liệu; đàn gà (gà đồi) và lợn thịt; thủy sản. Trong từng lĩnh vực tập trung vào các khâu có tính đột phá như: Sản xuất cây, con giống; sản xuất ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, chế biến nông sản.
Cùng với đó tập trung đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển các cây trồng chủ lực; sản xuất với quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; phát triển các khu sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất; mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP; nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân.
Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, chuyển dịch chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, truy xuất được nguồn gốc; áp dụng hình thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn về sinh thực phẩm; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế. Nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, nhất là đối với lĩnh vực cung ứng giống vật nuôi có chất lượng cho các tỉnh lân cận.
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao văn minh, hiện đại, đẩy mạnh giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tiếp tục chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ưu tiên đầu tư cho phát triển y tế, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc; thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, chính sách dân số; khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; phát triển văn hóa nông thôn gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc./.
Theo Cổng GTĐT Hà Nội