Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Phúc Thọ: Tập trung tạo đột phá phát triển nông nghiệp

Là một huyện nông nghiệp và nằm trong vùng quy hoạch vành đai xanh của Thủ đô nhưng do tác động của dịch Covid-19 nên sản xuất nông nghiệp của huyện Phúc Thọ cũng chịu ít nhiều rủi ro, ảnh hưởng. Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng, tạo đột phá và góp phần thúc đẩy vào tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô nói chung, huyện Phúc Thọ đã quyết liệt, khẩn trương đưa ra các giải pháp, phương án khắc phục để phát triển nông nghiệp hiệu quả.



Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, là một huyện nằm ở phía Tây bắc Thành phố, có 6,5 nghìn ha đất nông nghiệp và có 3 sông lớn chảy qua (là sông Hồng, sông Đáy và sông Tích), được quy hoạch là huyện nông nghiệp vành đai xanh của Thủ đô. Đây cũng chính là lợi thế phát triển của huyện. Chính vì vậy, thời gian qua Phúc Thọ luôn nhận được sự quan tâm của Thành phố và Sở Nông nghiệp & PTNT. Đồng thời huyện cũng đã xây dựng một số cơ chế chính sách và bố trí kinh phí hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, góp phần tạo điều kiện cho nông dân đầu tư thâm canh phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa kịp thời nên đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân. Nhiều tiến bộ mới về giống cây trồng, vật nuôi được người nông dân áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm. Công tác quản lý nông nghiệp về giống cây trồng, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được tăng cường góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân.

Trong sản xuất vụ xuân vừa qua, huyện có tổng diện tích gieo trồng là 3.888 ha, đạt 88,4% kế hoạch. Có 6 đơn vị gồm: Thị trấn Phúc Thọ, xã Võng Xuyên, Hát Môn, Tam Thuấn, Tam Hiệp, Hiệp Thuận chuyển đổi 203 ha từ trồng lúa và cây màu sang trồng cây ăn quả, hoa màu và hoa. Cơ cấu giống Q5, KD tiếp tục giảm; giống lúa hàng hóa chất lượng cao (nếp và lúa thơm) tăng, cụ thể đạt 1.730ha, chiếm 60,2% diện tích (tăng 3,7% so với cùng kỳ).

Về chăn nuôi, tính đến tháng 3/2020, tổng đàn lợn toàn huyện có 53.794 con, tăng 9.149 con so với thời điểm tháng 12/2019 sau khi hết dịch tả lợn châu Phi, giảm 43,76% so với cùng kỳ. Tổng đàn trâu bò là 7.585 con, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Huyện có 291 trang trại chăn nuôi, trong đó có 170 trang trại đạt tiêu chuẩn và có 24 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 300 con trở lên, 18 trang trại gia cầm quy mô từ 4 nghìn con.

Mặc dù đạt nhiều kết quả và duy trì sản xuất ổn định trong thời gian đầu năm nhưng bên cạnh đó huyện Phúc Thọ cũng gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo ông Nguyễn Đình Sơn, do tác động của dịch Covid-19 nên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có một số ảnh hưởng đáng kể như việc cung cấp rau cho các bếp ăn tập thể, các trường học bị cắt giảm gây khó khăn cho khâu tiêu thụ. Công tác tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho nông dân bị hạn chế do thực hiện giãn cách xã hội… nên sản lượng giảm sút, lưu thông sản phẩm nông nghiệp bị hạn chế, giá cả tăng cao gây ảnh hưởng đến nhu cầu và chi tiêu của đa số người dân.

Vụ xuân năm 2020 thời tiết có những diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, nhất là bệnh đạo ôn phát triển cây lúa. Thu nhập từ nông nghiệp rất thấp so với các ngành nghề khác, một bộ phận nông dân chuyển dịch sang lao động tiểu thủ công nghiệp nên thiếu hụt lao động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đã xảy ra tình trạng bỏ ruộng không cấy do thiếu lao động và khó khăn trong sản xuất tại các khu khó canh tác, không chủ động nước nên đã ảnh hưởng đến sản xuất vụ xuân theo kế hoạch.

Vì vậy, để khắc phục những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra và góp phần thúc đẩy vào tăng trưởng chung của nền nông nghiệp Thủ đô, huyện Phúc Thọ đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và tạo khâu đột phá, phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4% trở lên. Các chỉ tiêu từng lĩnh vực phải đạt: Trồng trọt tăng 0,25%, chăn nuôi tăng 6,52%, thủy sản tăng 3,34%.

Trong đó, huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “3 sạch”, nâng cao chất lượng nông thôn mới và đạt huyện nông thôn mới.

Đồng thời chỉ đạo chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất; đánh giá năng suất, sản lượng cây trồng năm 2020. Tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng chuyên canh tập trung. Mở rộng diện tích trồng rau, hoa trong nhà màng, nhà lưới, trồng rau trái vụ, giáp vụ vào sản xuất.

Phát triển tổng đàn vật nuôi theo hướng tăng mạnh đàn trâu bò, khôi phục và tái đàn lợn; tăng nhẹ số lượng đàn gia cầm; khuyến khích phát triển các con đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Dê, ba ba, chim bồ câu, ếch… chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị kinh tế.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện năm 2020 trong điều kiện dịch Covid-19, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, bám sát chỉ đạo của Thành phố, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ngành chuyên môn phân tích, đánh giá ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp, xây dựng các giải pháp, phương án cụ thể cho từng lĩnh vực để khắc phục những khó khăn và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế huyện.

Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đơn giản thủ tục hành chính cấp huyện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhanh chóng, thu hút, kêu gọi, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đăng ký, tổ chức phân hạng, đánh giá công nhận sản phẩm OCOP nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn Thành phố.

Tập trung xây dựng các mô hình liên kết, vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có lợi thế hơn hoặc gắn trồng lúa với nuôi trồng thủy sản tạo vùng chuyên canh tập trung, phát triển mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP; thúc đẩy liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là đàn lợn, tránh để dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại gắn với bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm…/.

NT (Theo Chinhphu.vn)