Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Gia Lâm hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Với vị trí quan trọng ở cửa ngõ phía đông Thủ đô, những năm qua, huyện Gia Lâm đã phát huy những giá trị, tiềm năng phục vụ xây dựng nông thôn mới, vừa bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, vừa tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững.



Là huyện ngoại thành ở phía Đông Bắc của Thủ đô, nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông huyết mạch đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện Gia Lâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Huyện Gia Lâm xác định đây là cơ hội để tập trung mọi nguồn lực đầu tư, định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp theo hướng đô thị hóa. Đồng thời, cũng là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo lao động, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao điều kiện sống người dân. Huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016-2020; xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mới đây, UBND huyện Gia Lâm cũng đã tổ chức khai trương điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP đặt tại đền Nguyên Phi Ỷ Lan, xã Dương Xá. Việc triển khai điểm giới thiệu sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn có lợi thế rất lớn trong việc quảng bá, nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Gia Lâm.

Trong xây dựng nông thôn mới, cùng với quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông… huyện Gia Lâm đặc biệt chú trọng đến xây dựng không gian xanh, sạch. Từ những tuyến giao thông lớn đến những ngõ, xóm đều được trồng cây xanh, trồng hoa… Đến nay, toàn huyện đã có hơn 10.000 cây xanh được trồng mới tại các xã, thị trấn; 474 đoạn đường được các hội, đoàn thể đăng ký thực hiện tự quản về môi trường; 47 đoạn đường kiểu mẫu đã được 22 xã, thị trấn đăng ký với tổng chiều dài 26.347m. Đặc biệt, 23/23 trường Trung học cơ sở đăng ký thực hiện tuyến đường đến trường xanh - sạch - đẹp với chiều dài 7.590m được tổng vệ sinh hằng tuần… Đến nay, 100% xã của huyện đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao. Huyện Gia Lâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Trong phát triển kinh tế, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của huyện đạt bình quân 11,03%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và bền vững. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm. Đến nay, huyện không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 62,5 triệu đồng, gấp 1,88 lần so với năm 2015

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Gia Lâm đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”, huyện đã quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp, với mục tiêu giảm diện tích trồng cây lương thực, mở rộng diện tích trồng rau, quả an toàn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 20 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị như: Aeon, Metro, Big C, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố. Đặc biệt mấy năm gần đây sản phẩm rau Văn Đức và Đặng Xá đã xuất khẩu được sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, bình quân mỗi năm 800 -1.000 tấn.

Cùng với tập trung đầu tư phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, triển khai Nghị quyết của HĐND, UBND huyện Gia Lâm luôn quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến, từng bước phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả cao tích cực.  Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản trên 1ha đất nông nghiệp đạt 308,3 triệu đồng (tăng 105,3 triệu đồng/ha so năm 2015).

Theo ông Nguyễn Đức Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, để phấn đấu xây dựng huyện Gia Lâm thành Quận vào năm 2023, huyện Gia Lâm đã đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Duy trì thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.504 tỷ; thu nhập bình quân đầu người đạt 65,3 triệu đồng/người/năm; Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm gắn bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác; chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở một số vùng, một số sản phẩm theo thị hiếu của thị trường; chú trọng phát triển HTX, thúc đẩy liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, từng bước hướng tới xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện và bền vững./.

                                                                                                            Nguyễn Vàn