Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Đan Phượng: Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc

Cách đây hơn 5 năm, Đan Phượng vinh dự là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Không thỏa mãn với kết quả đạt được, huyện tiếp tục quán triệt phương châm xuyên suốt là xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc…



Xây dựng NTM là chương trình rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân huyện Đan Phượng, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, sau khi được công nhận huyện NTM năm 2015, từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động được hơn 2.618 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng NTM, trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ gần 561,7 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 1.778 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 32 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã hơn 147,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và xã hội hóa hơn 99,3 tỷ đồng. So với giai đoạn 2010-2015, số vốn huy động tăng hơn 574 tỷ đồng (ngân sách thành phố chiến 21,5%, ngân sách huyện 67,9%, ngân sách xã 1,2%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã 5,6%, vốn nhân dân đóng góp và xã hội hóa 3,8%).

Nhờ quan tâm đầu tư, diện mạo NTM của Đan Phượng vốn đã nhiều khởi sắc, càng đổi thay theo hướng đi lên, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng, trở thành miền quê đáng sống. Toàn huyện có hơn 46,6km đường trục xã, thôn, ngõ xóm đã được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2016-2020. Các tuyến đường đều được kiên cố hóa bê tông, trải thảm nhựa. Đến nay, toàn huyện có 43,7km đường trục thôn được trải nhựa, có thêm 12 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn ở 15 xã là 48/49 trường quốc gia mức độ 1; 15/49 trường đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Huyện cũng đã đưa vào sử dụng 70 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, nâng tổng số nhà văn hóa thôn, cụm dân cư đến nay là 119/120 nhà văn hóa.

Đan Phượng đã thúc đẩy sản xuất, củng cố chắc chắn thế mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho hay: Đan Phượng đã mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiêu biểu như: Mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp tại xã Phương Đình và Đan Phượng; 9 mô hình sản xuất công nghệ cao, rau hữu cơ ở các xã Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân; 2 mô hình trồng nấm ở xã Đan Phượng và Hạ Mỗ; 20ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở vùng bãi giữa sông Hồng thuộc xã Liên Trung. Đan Phượng cũng đã xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Đồng thời ,triển khai, áp dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm; duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn cho các trường học trên địa bàn và nhiều siêu thị.

“Tập trung phát triển kinh tế làng nghề, sản xuất nông nghiệp, trong số 107 sản phẩm làng nghề và nông sản, đến nay, huyện Đan Phượng có 56 sản phẩm của 14 chủ thể được đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 35 sản phẩm 3 sao. Toàn huyện đã có 9/15 xã được thành phố công nhận xã NTM nâng cao, 4/15 xã đã được huyện trình thành phố công nhận và 2/15 xã đã lập hồ sơ, trình thành phố công nhận trong quý I/2021. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao”, ông Nguyễn Viết Đạt chia sẻ.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ song hành. Đó là, phát triển huyện thành quận, đồng thời hoàn thành xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Đan Phượng tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn rất nhiều dư địa, là lợi thế trong tiến trình phát triển. “Chúng tôi mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương trên địa bàn huyện cũng đều tiên phong để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng một vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống”, ông Trần Đức Hải nói.

Theo hướng đi này, Đan Phượng sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ để 2 xã Thọ An và Hồng Hà đạt chuẩn NTM nâng cao trong quý I/2021; xã Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu Thủ đô trong năm 2021. Qua đó, phấn đấu cả 15/15 xã và huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trước khi trở thành phường và quận. Theo tính toán, để các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong 5 năm tới, huyện huy động trên 5.435 tỷ đồng dành cho đầu tư, cùng với đó, huyện thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, tiếp tục thực hiện cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Huyện Đan Phượng cũng đẩy mạnh phát triển sản xuất, tập trung mọi nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu; trong đó huy động xã hội hóa, nhân dân đóng góp để duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Ngoài ra, huyện chú trọng quan tâm nâng cao chất lượng y tế, giáo dục; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân… “Nói cách khác là công cuộc nâng cấp, phát triển đời sống cho người nông dân huyện Đan Phượng sẽ không có điểm dừng, qua đó tạo thêm những thành tích to lớn, toàn diện”, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải nhấn mạnh./.

NT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)