Theo đó, toàn huyện phấn đấu gieo cấy trà sớm đạt 75% để tăng hiệu quả phòng chống úng và đảm bảo diện tích trồng cây vụ Đông. Bên cạnh đó, tập trung chăm sóc các diện tích cây ăn quả. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; thẩm định và phê duyệt các dự án nông nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình. Nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn; chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường Hà Nội.
Ngoài ra, huyện tập trung cho xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực; tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp. Chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng, công tác diệt chuột. Thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của thành phố, của huyện...
Diện tích gieo trồng vụ mùa của huyện Đan Phượng là 2.458ha, trong đó: Lúa mùa 1.109ha, năng suất phấn đấu đạt 58 tạ/ha; ngô 159ha, năng suất 52 tạ/ha; đậu tương 289ha năng suất 22tạ/ha; rau, đậu các loại 338ha, năng suất 230 tạ/ha; hoa 487ha...
Vụ mùa năm nay, huyện Đan Phượng tiếp tục thực hiện chính sách của thành phố về hỗ trợ khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Theo đó, huyện hỗ trợ vùng trồng hoa ở xã Song Phượng và Đồng Tháp với diện tích 5,4ha; hỗ trợ vùng trồng bưởi tập trung xã Thượng Mỗ 106ha; hỗ trợ thùng chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật 790 thùng cho các xã. Ngân sách huyện cũng hỗ trợ kho lạnh bảo quản, chi phí vật liệu làm đường giao thông nội bộ và điều kiện cần thiết khác cho các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông nội đồng, thủy lợi đáp ứng tốt nhu cầu vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung./.
TT (nguồn Cổng GTĐT Hà Nội)