Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Đan Phượng: Các làng nghề tạo việc làm cho hàng ngàn lao động

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đan Phượng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm, thường xuyên chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.



UBND huyện Đan Phượng cho biết, toàn huyện có 7 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Trong đó, làng Hạ và Trung (xã Liên Trung) đều có nghề chế biến lâm sản (làng Hạ có 211 hộ sản xuất, 114 công ty, 1.300 lao động; Làng Trung có 289 hộ sản xuất, 107 công ty, 1.600 lao động), thu nhập của các lao động làng nghề đạt 10-15 triệu/ người/tháng. Làng nghề Thượng Thôn (xã Liên Hà) sản xuất đồ mộc, có hơn 40 doanh nghiệp và 356 hộ đang hoạt động, tạo việc làm cho 4.000 lao động, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, thôn Tháp Thượng (xã Song Phương) có nghề sản xuất kẹo lạc và kẹo dồi, thôn Trúng Đích (xã Hạ Mỗ) sản xuất đậu phụ và nấu rượu thủ công; Thôn Bá Nội (xã Hồng Hà) có nghề nấu rượu và làm đậu phụ, thu hút hơn 1.000 lao động...
UBND huyện đang đề nghị các sở, ngành tham mưu UBND thành phố xem xét, hỗ trợ đào tạo, tập huấn kiến thức pháp luật kinh doanh và phát triển thương hiệu cho các hộ, doanh nghiệp sản xuất trong làng nghề, xây dựng hạ tầng các làng nghề, đảm bảo môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Các ngành nghề đào tạo chủ yếu như: Công nghệ ô tô, hàn và cắt gọt kim loại, CNTT, kế toán, điện tử, điện lạnh, quản lý bán hàng siêu thị, chế biến món ăn...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Năm 2020 huyện Đan Phượng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; Tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tích cực phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 của Thành phố thực hiện tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động có nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp trong nước, lao động đi du học nghề, xuất khẩu lao động.

Song song với việc tổ chức mở lớp, đào tạo nghề cho lao động, huyện Đan Phượng cũng chú trọng tới việc phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề công lập nhằm đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nghề. Đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, phát triển trên địa bàn, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Năm 2020, huyện Đan Phượng tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn. đặc biệt là lao động nông thôn tham gia học nghề sát với nhu cầu, phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Tiếp tục triển khai công tác dạy nghề, truyền nghề, cấy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Xây dựng nguồn nhân lực kế thừa phát triển, đặc biệt là thợ lành nghề, nhân lực trình độ cao.

Hiện tại, huyện Đan Phượng đã có những mô hình kinh tế điểm thu hút lao động có tay nghề đã qua đào tạo như: Hợp tác xã rau Cuối Quý, Hợp tác xã bưởi tôm vàng Thượng Mỗ; Xây dựng nhãn hiệu hoa đồng tiền Đan Phượng, hoa Lily Đan Phượng…/.

TT (nguồn Làng nghề Việt)