Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Chương Mỹ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông sản an toàn

Nằm ở phía Tây Thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ có 30 xã và 2 thị trấn với diện tích đất tự nhiên là 237 km2, diện tích đất nông nghiệp trên 14.000 ha.



Toàn huyện có trên 70.000 hộ dân, trong đó có trên 30.000 hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Huyện Chương Mỹ có đặc điểm địa hình vừa mang đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng, vừa mang đặc trưng vùng bán sơn địa được chia làm 3 vùng địa hình có định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi khác nhau.

Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm qua, huyện Chương Mỹ đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, thực hiện rà soát quy hoạch các vùng chuyển đổi theo hướng tập trung và vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, huyện đã cơ bản hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh bao gồm: Vùng trồng bưởi Diễn gồm 5 xã, thị trấn với diện tích 535 ha; vùng chuyên canh rau gồm 5 xã với diện tích 280 ha; vùng chuyên lúa chất lượng cao 3.730 ha; vùng thủy sản trên 1.000 ha.

Đối với cây ăn quả, huyện tập trung phát triển vùng sản xuất bưởi tại các xã vùng đồi gò gắn với thương hiệu “Bưởi Chương Mỹ”. UBND huyện đã quy hoạch vùng trồng cây bưởi tập trung tại các xã Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Trần Phú, Văn Võ, thị trấn Xuân Mai với diện tích 1.000 ha, đến nay đã phát triển được 535 ha, năng suất bình quân 25 tấn quả/ha. Năm 2018 thu được khoảng 7.500 tấn quả. Giá trị thu được khoảng 150 tỷ đồng. Năm 2018, UBND huyện đang hỗ trợ cho các hợp tác xã trồng bưởi tập trung áp dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến năm 2020, phấn đấu 100% diện tích vùng chuyên canh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Về phát triển vùng sản xuất rau an toàn, tổng diện tích sản xuất chuyên canh rau huyện Chương Mỹ là 382 ha tập trung ở các xã, thị trấn: Chúc Sơn, Thụy Hương, Nam Phương Tiến, Phú Nam An. Hiện nay, sản lượng rau ở vùng sản xuất rau chuyên canh của huyện hàng năm cung cấp cho thị trường Hà Nội và các vùng lân cận là trên 19.000 tấn rau, củ, quả các loại/năm.

Đến năm 2018, toàn huyện đã xây dựng được 9 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 9 xã với tổng diện tích là 3.730 ha. Chương trình sản xuất lúa chất lượng cao của huyện đã lựa chọn các giống phù hợp để đưa vào sản xuất gồm Bắc thơm số 7, TBR225, J02. Các giống trên đều cho năng suất lúa bình quân đạt 54-65 tạ/ha; hiệu quả kinh tế tăng 1,2-1,5 lần so với các giống lúa thường (Khang dân 18) đang gieo cấy trên địa bàn. Đặc biệt, mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú được khởi nguồn từ Dự án “Nâng cao năng lực sản xuất cho hộ nông dân” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai vào vụ mùa năm 2012 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sau một năm thực hiện theo đúng quy trình sản xuất do JICA trực tiếp theo dõi, đánh giá, kết quả cho thấy, dù có năng suất tương đương nhưng chất lượng của lúa hữu cơ ưu việt hơn. Từ thành công này, đến nay, toàn xã Đồng Phú đã có hơn 40 ha trồng lúa hữu cơ.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã phê duyệt 6 khu chăn nuôi xa dân cư quy mô lớn với diện tích 150 ha. UBND Thành phố phê duyệt 1 khu chăn nuôi tập trung kết hợp nuôi trồng thủy sản với diện tích 53 ha. Trong những năm qua, thành phố và huyện đã hỗ trợ chương trình phát triển chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện như hỗ trợ tem nhãn cho sản phẩm và chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ trứng cho Công ty cổ phần Tiên Viên, xã Đại Yên.

Phát huy lợi thế, nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản an toàn, UBND huyện Chương Mỹ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tổ chức Tuần lễ bưởi và nông sản an toàn huyện Chương Mỹ. Tất cả các mặt hàng nông sản thực phẩm đưa về Tuần lễ đều có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng và được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận đảm bảo an toàn. UBND huyện đã đặt ra mục tiêu phát huy có hiệu quả các nguồn lực, phát triển các chuỗi sản xuất chủ lực về rau, quả và gạo hữu cơ trên địa bàn huyện. Kế hoạch đến năm 2020, phát triển vùng lúa chất lượng cao với diện tích vụ xuân 3.000 ha, vụ mùa 500 ha trở lên, vùng sản xuất lúa hữu cơ diện tích 300 ha. Mở rộng vùng rau chuyên canh lên 500 ha. Diện tích sản xuất rau hữu cơ là 30 ha trở lên. Diện tích sản xuất bưởi hữu cơ từ 50 ha trở lên.

Với định hướng phát triển một nền nông nghiệp xanh, có chỉ dẫn địa lý gắn với việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, trong thời gian tới, huyện Chương Mỹ sẽ tiếp tục phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, trong đó đặc biệt chú trọng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhằm đem đến cho người tiêu dùng thủ đô và cả nước một nguồn thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm./.

Nguyễn Thúy