- Thực hiện bón phân chăm sóc sớm, tập trung, bón phân theo phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”, tăng lượng phân bón thúc lần 1 khoảng 10% so với mọi năm để tăng số nhánh cấp 3, cấp 4, kéo dài thời gian sinh trưởng và trỗ vào thời điểm thích hợp (từ đầu – trung tuần tháng 5). Bón phân cân đối đạm-lân-kali, khuyến khích sử dụng phân bón NPK chuyên dùng để đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển cân đối, cây lúa khỏe, cụ thể:
+ Bón thúc đẻ nhánh: Khi lúa bén rễ hồi xanh, có lá mới xuất hiện( khoảng sau cấy 10 – 12 ngày), khi nhiệt độ bình quân trong ngày trên 150C: bón 50% đạm + 50% kali( hoặc NPK chuyên bón thúc cho lúa, bón theo hướng dẫn ghi trên bao bì). Lượng phân bón thúc đẻ nên chia làm 2 lần bón cách nhau 5 – 7 ngày để tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Bón phân nên kết hợp với làm cỏ sục bùn và tỉa dặm định mật độ để vừa đỡ mất phân đồng thời làm tăng lượng ô xi trong đất giúp bộ rễ phát triển tốt, đảm bảo quần thể ruộng lúa đồng đều, tạo năng suất cao.
- Điều tiết nước hợp lý: Sau cấy giữ mực nước nông từ 2-3cm để lúa đẻ nhánh thuận lợi. Khi lúa đẻ nhánh đảm báo số dảnh/m2 (khoảng 300 dảnh/m2) thì tháo cạn nước phơi ruộng đến nẻ chân chim, sau đó tưới tháo xen kẽ, đến khi lúa có đòng đưa nước trở lại kết hợp bón phân thúc đòng, giữ mực nước nông đến khi lúa chín đỏ đuôi thì tháo cạn để thu hoạch được thuận lợi.
- Phòng trừ ốc bươu vàng và chuột gây hại:
* Đối với ốc bươu vàng: Cần kiểm tra mật độ ốc bươu vàng trên ruộng, nếu ít thì bắt thủ công, nếu nhiều dùng thuốc hóa học phun hoặc rắc. Lưu ý khi phun, rắc phải có nước trên mặt ruộng, phun đều.
* Đối với chuột: Áp dụng các biện pháp phòng trừ sau:
-Biện pháp thủ công: Phát quang bờ, bụi rậm, gò đống làm mất nơi cư trú của chuột. Đào hang, đổ nước, hun khói, săn bắt chuột, ... chú ý không làm hư hại bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông nội đồng và các công trình thuỷ lợi. Sử dụng các loại bẫy cặp, bẫy lồng, bẫy dính và chọn các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,... đặt bẫy ở nơi có chuột thường qua lại, nơi chuột mới phá hại, đặt cả ngoài đồng, trong nhà, trong kho tàng để đánh bắt chuột.
- Biện pháp sinh học: Sử dụng bả sinh học Biorat để diệt chuột, đây là loại bả thành phần chính chiếm 98,7% là thóc hấp chín có chứa vi khuẩn nếu chuột ăn phải sau thời gian ngắn mắc bệnh thương hàn và chết. Nên đặt bả nơi có chuột thường qua lại, chuột mới phá hại. Cứ 5 - 6 m đặt một mô bả khoảng 25 - 50 gam, nơi nhiều chuột số mô bả và lượng bả tăng lên. Lưu ý khi đã mở gói thuốc ra nên dùng hết một lần vì để lâu thuốc sẽ mất hiệu lực và không trộn lẫn bả Biorat với các bả khác.
- Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc diệt chuột nhóm chống đông máu, gây xuất huyết nội tạng như thuốc Rat K 2% D thuộc hoạt chất Warfarin để tự phối trộn mồi diệt chuột, đây là cách làm vừa rẻ tiền (khoảng 1.500 đồng /sào) mà hiệu quả diệt trừ chuột rất cao và khá an toàn với người và vật nuôi. Mồi bả tự phối trộn từ thóc luộc nứt vỏ với thuốc nên có mùi rất hấp dẫn chuột, chuột ăn phải mồi bả sau 3 đến 5 ngày sẽ gây chảy máu đường ruột, do máu không đông được nên làm cho chuột suy kiệt, tìm về hang ẩn náu và chết. Cách phối trộn mồi bả như sau: Dùng thóc luộc nứt vỏ chấu để ráo nước sau đó trộn với thuốc Rat K 2%D để thành mồi bả. Cứ 1 gói thuốc Rat K 2% D trọng lượng 10 gam thì trộn với 4 - 5 lạng thóc đã luộc để làm mồi; như vậy 1 kg thuốc Rat K 2% D cần luộc 30 kg thóc để được gần 50 kg mồi bả.
Lưu ý: Diệt chuột là phải diệt đồng bộ; mọi người, mọi nhà đều phải diệt chuột, các địa phương cần phát động phong trào diệt chuột có như vậy hiệu quả mới cao.
Trên đây là một số lưu ý trong thâm canh lúa vụ xuân 2018. Đề nghị Trạm Khuyến nông các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với khuyến nông viên cơ sở, nhân viên BVTV xã hướng dẫn bà con nông dân tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại theo đúng hướng dẫn, qui trình kỹ thuật để vụ lúa xuân đạt năng suất cao./.
Dương Mạnh Toàn