Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn bảo quản và sử dụng vắc xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong cả nước đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Để công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất hướng dẫn một số biện pháp bảo quản vắc xin và kỹ thuật tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2024 trên địa bàn huyện như sau:



  1. Việc cấp phát, vận chuyển vắc xin

  - Việc cấp phát, giao nhận vắc xin giữa các bên giao nhận phải đúng số lượng, chủng loại, có số lô, hạn sử dụng theo phiếu xuất kho, sổ kho và có ký nhận rõ ràng ngay khi giao, nhận vắc xin.

- Vận chuyển, bảo quản vắc xin: Vắc xin phải được bảo quản theo hướng dẫn Nhà sản xuất trong suốt quá trình vận chuyển, bảo quản. Khi chưa sử dụng để trong ngăn mát tủ lạnh từ 2 - 8oC. Tủ lạnh bảo quản vắc xin được đặt tại Trụ sở UBND xã, thị trấn. Nhân viên chăn nuôi thú y xã, thị trấn không được mang vắc xin, vật tư về nhà riêng.

- Khi vận chuyển đến điểm tiêm, vắc xin phải được bảo quản trong thùng bảo ôn có đủ đá khô. Không để vắc xin tiếp xúc trực tiếp với đá/nước đá.

- Vận chuyển vắc xin nhẹ nhàng, tránh sóc lắc mạnh làm rạn, vỡ lọ vắc xin, ảnh hưởng đến tính chất vật lý của vắc xin.

- Tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào vắc xin.

  1. Kỹ thuật tiêm phòng vắc xin:

2.1. Liều lượng tiêm phòng: Theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

2.2. Đối tượng tiêm phòng vắc xin:

* Đối với trâu, bò:

- Tiêm vắc xin Lở mồm long móng nhị giá O-A, tiêm cho trâu, bò khỏe mạnh từ 2 tháng tuổi trở lên. Những con bị ốm và chưa đủ tháng tuổi sẽ tiêm bổ sung sau.

- Tiêm vắc xin Viêm da nổi cục:

+ Tiêm dưới da trâu, bò. Sử dụng lọ vắc xin đã mở tiêm trong vòng 2 giờ để đạt bảo hộ cao nhất.

+ Tiêm cho trâu, bò có sức khỏe bình thường bao gồm cả trâu, bò đang cho sữa không mắc bệnh Viêm da nổi cục.

+ Bê nghé sinh ra từ những con mẹ đã được tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục và được bú sữa non từ những con mẹ đã từng mắc bệnh: tiêm lúc 6 tháng tuổi trở lên.

+ Bê nghé sinh ra từ những con mẹ chưa được tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục: tiêm lúc 4 tháng tuổi trở lên.

Lưu ý: đối với trâu, bò đang mang thai: trước khi đẻ 1 tháng không nên tiêm phòng, tiêm bổ sung sau.

- Ngoài các loại vắc xin trên người chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin Tụ huyết trùng cho trâu, bò từ 6 tháng tuổi trở lên;

*  Đối với đàn lợn:

- Tiêm vắc xin Lở mồm long móng type O, Dịch tả lợn Nhật, Tai xanh cho đàn lợn nái và đực giống khỏe mạnh. Những con ốm sẽ tiêm bổ sung sau.

Lưu ý: Chỉ tiêm phòng vắc xin Tai xanh cho lợn nái trước khi phối giống 30 ngày hoặc sau khi đẻ 14 - 20 ngày, việc tiêm cho lợn nái đang mang thai theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần tiêm thêm vắc xin tiêm phòng các bệnh: Dịch tả, Tụ huyết trùng, Đóng dấu, Phó thương hàn, Lepto, E.coli.

*  Đối với đàn gia cầm:

- Tiêm vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gà sinh sản, vịt sinh sản, ngan sinh sản và đàn gia cầm, thuỷ cầm thương phẩm. Chỉ tiêm vắc xin khi đàn gia cầm khỏe mạnh. Những đàn bị ốm sẽ tiêm bổ sung sau.

- Ngoài ra cần tiêm và nhỏ phòng các loại loại vắc xin khác như:

+ Đàn gà: Tiêm vắc xin Newcastle, Tụ huyết trùng, Gumboro, CRD, IB…

+ Đàn vịt, ngan: Tiêm vắc xin Dịch tả, Tụ huyết trùng.

*  Đối với chó, mèo:

- Tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo khỏe mạnh trong diện tiêm từ 3 tháng tuổi trở lên. Đối với chó, mèo ốm hoặc dưới 3 tháng tuổi sẽ tiêm bổ sung sau.

- Cấp giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh Dại, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó và cập nhật sổ quản lý đàn chó, mèo theo quy định.

- Khi tiêm phòng xong cần hướng dẫn chủ nuôi nhốt chó, mèo để theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện bất thường thì khai báo ngay với nhân viên chăn nuôi - thú y hoặc chính quyền xã để xử lý kịp thời.

- Liên hệ việc tham gia Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó với Phòng Bảo hiểm gần nhất.

  1. Những lưu ý trong quá trình tiêm phòng:

*  Chuẩn bị dụng cụ tiêm phòng, bảo hộ lao động, tài liệu có liên quan:

Trước khi đi tiêm phòng, cần chuẩn bị đầy đủ vắc xin, dụng cụ tiêm phòng, bảo hộ lao động, giấy tờ tài liệu có liên quan như sau:

- Chuẩn bị đầy đủ số lượng, chủng loại vắc xin, đáp ứng nhu cầu tiêm phòng trên địa bàn thôn, xã.

- Chuẩn bị các loại dụng cụ tiêm phòng:

+ Thùng, hộp bảo ôn có túi đá hoặc đá khô để bảo quản vắc xin trong quá trình đi tiêm;

+ Hộp đựng kim tiêm, bơm tiêm; Bơm tiêm, kim tiêm (phù hợp với từng loại, lứa tuổi, trọng lượng của vật nuôi);

+ Pank, kéo, xoong, nồi để luộc, sát trùng bơm tiêm, kim tiêm, dụng cụ;

+ Túi ni lông đựng rác thải bao gồm: bảo hộ lao động, vỏ lọ vắc xin, bơm tiêm, kim tiêm… đã qua sử dụng.

- Chuẩn bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người trực tiếp tham gia tiêm phòng và bắt giữ vật nuôi bao gồm: khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ, ủng, bình xịt sát trùng trước, sau khi vào hộ chăn nuôi tiêm phòng.

- Chuẩn bị các loại giấy tờ có liên quan: Danh sách thống kê; Danh sách tiêm phòng, Giấy chứng nhận tiêm phòng, bút viết…

- Chuẩn bị các loại thuốc chống sốc để xử lý khi có sự cố xảy ra trong và sau khi tiêm phòng.

 * Những lưu ý trước khi tiêm phòng:

- Thống kê đầy đủ, chính xác số lượng gia súc, gia cầm trước khi tiêm phòng. Xây dựng kế hoạch tiêm phòng, phân bổ vắc xin hỗ trợ cho từng thôn, dự trù phương án xử lý khi có sự cố xảy ra trong và sau khi tiêm phòng.

- Tuyên truyền, thông báo kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm để người dân biết, chuẩn bị các điều kiện để bắt, nhốt, cố định vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm phòng. Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động kê khai chăn nuôi (theo quy định của Luật chăn nuôi).

- Kiểm tra cẩn thận tình trạng sức khỏe của đàn vật nuôi trước khi tiêm, theo dõi sức khoẻ đàn vật nuôi trước, trong và sau khi tiêm. Không tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đang có biểu hiện ốm, quá gầy yếu, mới ốm khỏi hoặc giai đoạn đầu (cuối) thai kỳ …

- Kiểm tra toàn bộ các lọ vắc xin. Không sử dụng những lọ vắc xin đã bị rạn, vỡ, vắc xin bị biến đổi màu sắc và tính chất vật lý. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi sử dụng vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi.

* Những lưu ý trong khi tiêm phòng:

- Lắc đều lọ vắc xin trước khi lấy vắc xin tiêm cho con vật, không lắc mạnh vắc xin để tránh làm sủi bọt ảnh hưởng đến liều lượng vắc xin.

- Lấy đủ lượng vắc xin theo Hướng dẫn của Nhà sản xuất, không tùy tiện tăng, giảm liều lượng vắc xin.

- Sát trùng vị trí tiêm.

- Tiêm phòng đúng đối tượng được hỗ trợ, đúng thời gian, đúng liều lượng, đúng đường tiêm.

- Thay kim tiêm mới khi tiêm đàn mới (ô chuồng mới).

- Trong quá trình tiêm phòng, chú ý đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi. Người tham gia tiêm phòng được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay để bảo đảm phòng chống dịch bệnh theo quy định.

* Những lưu ý sau khi tiêm phòng:

- Hướng dẫn chủ hộ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt gia súc, gia cầm sau khi tiêm phòng để đạt miễn dịch tối đa và can thiệp kịp thời khi có sự cố.

- Lập danh sách đầy đủ, chính xác các hộ và số lượng gia súc, gia cầm được tiêm vắc xin hỗ trợ (theo biểu mẫu quy định). Yêu cầu chủ hộ ký xác nhận, ghi rõ họ tên vào Danh sách tiêm phòng theo quy định.

- Cởi bỏ bảo hộ lao động, cho vào túi rác; Sát trùng ủng, rửa chân, tay bằng xà phòng trước khi rời khỏi hộ chăn nuôi./.

Vương Thị Chung - Trung tâm DVNN huyện Thạch Thất