Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông

Nhằm xây dựng mối liên kết giữa các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, hệ thống khuyến nông, doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện sản xuất bền vững, ngày 25/8/2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ban hành Quyết định số 162/QĐ – KN – ĐTHL về nguyên tắc hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông.



Theo đó, các bên tham gia hợp tác là các tổ chức Quốc tế, Tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, Chương trình nghiên cứu trong và ngoài nước có các hoạt động hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai thực hiện thông qua hệ thống khuyến nông Việt Nam.

Mục tiêu hợp tác tạo ra sự hợp tác giữa hệ thống khuyến nông, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và tư nhân để thực hiện mục tiêu của các bên một cách bền vững, thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các bên để hợp tác chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất, tránh trùng lặp, lãng phí vốn.

Nội dung hợp tác tập trung vào hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào các mô hình kinh doanh mới, góp phần định hướng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm; Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ sản xuất, cơ giới hóa, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, các quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, phát triển các sản phẩm OCOP; Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân, người sản xuất, kỹ năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao kiến thức về sản xuất an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, kiến thức về biến đổi khí hậu, sản xuất theo định hướng thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; Ứng dụng công nghệ thông tin để nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến, kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học và công nghệ, các điển hình tiên tiến, các công nghệ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp 4.0, phòng chống thiên tai rủi ro trong sản xuất. Xây dựng thương hiệu nhãn mác sản phẩm…

Nguyên tắc hợp tác công khai minh bạch thông tin, hiệu quả phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, tuân thủ hướng dẫn của ASEAN về đầu tư có trách nhiệm đối với nông lâm nghiệp và thực phẩm. Hợp tác bình đẳng, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự nguyện và trách nhiệm, đảm bảo các bên tham gia cùng có lợi…

Quyết định nêu rõ, hình thức hợp tác thông qua biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU). Biên bản nghi nhớ hợp tác là biên bản thỏa thuận giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các bên tham gia về một lĩnh vực hợp tác cụ thể, theo đó thống nhất mục tiêu, nội dung, phương pháp tổ chức hợp tác, kinh phí đóng góp của các bên để thực hiện một hoạt động cụ thể. Các bên cam kết và có trách nhiệm thực hiện thông qua các hợp đồng trong khuôn khổ MOU.

 Thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ, thỏa thuận hợp tác song phương giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các bên liên quan khác để thực hiện các hoạt động cụ thể.

Đặng Diện (tổng hợp)