Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội viên Nông dân xã Yên Bình chuyển đổi mô hình có hiệu quả

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ những diện tích trũng, dộc, diện tích khó canh tác, hiệu quả kinh tế thấp sang các mô hình thâm canh khác cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn. Đảng ủy, UBND xã Yên Bình cũng như các địa phương trong huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, HTX nông nghiệp tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi. Qua đó đã xuất hiện nhiều gương Hội viên Nông dân chuyển đổi mô hình có hiệu quả, tiêu biểu như mô hình chuyển đổi của gia đình chị Phí Thị Kim Ngân (thôn 6, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất).



Chị Ngân chia sẻ: Sinh sống ở vùng đồi núi, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên rất khó khăn. Mặc dù đã phải bươn chải làm thuê, làm mướn đủ nghề nhưng kinh tế cũng chẳng khấm khá hơn.

Năm 2009, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chị đã mạnh dạn bàn bạc với gia đình đấu thầu gần 2,2 ha đất nông nghiệp tại khu thôn 6 để cải tạo chuyển đổi mô hình. Tuy nhiên do ban đầu thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên chị chỉ dám đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ, với vài trăm gà thả vườn, 10 con dê bố mẹ, chăn lợn rừng và trồng các loại cây ăn quả như chuối, táo,… Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, để tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, khi địa phương tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chị đều tham gia tích cực. Bên cạnh đó, chị còn thường xuyên tự nghiên cứu, học tập kỹ thuật qua sách báo, qua các phương tiện thông tin đại chúng rồi vận dụng vào mô hình của gia đình. Vì vậy, mới đầu tư chuyển đổi nhưng mô hình cũng đã cho hiệu quả kinh tế. Thu nhập đến đâu chị lại đầu tư cải tạo, mở rộng quy mô đến đó. Đồng thời qua nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và thổ nhưỡng địa phương, 5 năm gần đây, ngoài duy trì chăn nuôi dê, gà, lợn, chị còn mạnh dạn mở rộng quy mô trồng 3.000 gốc chuối và 700 gốc đu đủ. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và tích cực hỏi học kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nên mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi từ 250 đến 270 triệu đồng. Cuộc sống gia đình chị đã dần ổn định và khá giả hơn.

Có thể khẳng định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nông dân nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Vì vậy mong rằng không chỉ hộ gia đình chị Phí Thị Kim Ngân mà sẽ còn nhiều hộ dân trên địa bàn xã Yên Bình nói riêng và huyện Thạch Thất nói chung mạnh dạn chuyển đổi để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của địa phương phát triển./

Vương Thị Chung - Trạm KN Thạch Thất