Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nông dân làm kinh tế giỏi

Thông qua Hội nông dân xã Sài Sơn, chúng tôi tìm đến hộ ông Phan Nhân Lợi ở thôn Đa Phúc, một trong những hộ nông dân điển hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã.



HỘ NÔNG DÂN LÀM KINH TẾ GIỎI

 

 

Đến thăm trang trại của ông, điều làm chúng tôi thật sự bất ngờ đó chính là một dạng mô hình VAC rất quy mô, cách xây dựng, quy hoạch rất khoa học.

Qua tìm hiểu chúng tôi biết trước khi làm trang trại, ông đã từng tham gia quân ngũ, trải qua 3 năm bộ đội tại biên giới Cao Bằng năm 1979, đến năm 1983 ông phục viên trở về địa phương. Ông tham gia làm kinh tế như đi làm thợ xây, làm máy bừa, rồi cuối cùng về đây làm kinh tế trang trại. Năm 2003 ông khởi nghiệp với diện tích của gia đình, sau dần dần mua thêm và thuê thầu lại từ phần diện tích của các hộ xung quanh. Hiện tổng diện tích đã lên tới hơn 2 ha, với diện tích trên ông trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn hơn 300 cây, nhãn chín muộn 45 cây, ổi Đài Loan hơn 400 cây. Hàng năm thu nhập từ bưởi là trên 400 triệu, nhãn và ổi cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở đó  gia đình ông còn tư duy thêm khi thiết kế một phần diện tích để xây dựng 4 ao nuôi baba và 3 ao nuôi cá truyền thống, hàng năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng nữa. Tổng cộng mỗi năm trang trại của ông cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng.

Nói về nuôi baba thì hiện tại trên địa bàn xã Sài Sơn chỉ duy nhất có hộ gia đình ông là theo đuổi và nuôi thành công. Ông bắt đầu nuôi con baba từ những năm 2011 đến nay đã được  7 năm,  hiện 4 ao đều đang nuôi các loại baba gai và baba Sông Hồng với tổng số 1.300 con. Với kinh nghiệm nuôi 4 ao baba liên tục, hàng năm ông đều nhập giống 1 ao và xuất 1 ao, điều đó đảm bảo năm nào ông cũng có baba để bán. Ông cho biết: “Con baba rất dễ bán, khi nào đến lứa đều bán được, không có mà bán, giá ổn định từ 450-500 nghìn đồng/kg”. Dự kiến 2 tháng nữa ông sẽ xuất bán 1 ao khoảng 300 con, sản lượng 450 kg, thu về gần 200 triệu đồng.

Với bản chất anh bộ đội cụ hồ, dám nghĩ-dám làm. Năm 2017, trong chuyến đi thăm quan mô hình nuôi cá theo công nghệ nuôi mới sông trong ao do Hội nông dân xã tổ chức thực tế tại 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Ông đã thật sự đam mê và bị cuốn hút. Khi trở về ông rất quyết tâm làm sao để mình làm được như vậy, nên đã tự  tổ chức đi tìm hiểu  một số chuyến đi riêng nữa tại các huyện đã làm như: Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa. Ông ghi chép kinh nghiệm, chia sẻ, số điện thoại để tiện trong việc trao đổi. Đầu năm 2018, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông, UBND xã Sài Sơn ông đã đăng ký tham gia mô hình nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao để thực hiện. Với bản chất chịu khó, tiềm lực kinh tế vững vàng ông Phan Nhân Lợi đã thật sự chinh phục được công nghệ nuôi mới này. Sau thời gian nuôi ông đã cảm nhận được sự khác nhau khi nuôi cá theo phương pháp mới với khi nuôi truyền thống, sản lượng nuôi được tăng lên, sản phẩm đảm bảo vệ sinh thực phẩm do không phải dùng đến thuốc kháng sinh, cá nuôi phát triển rất nhanh do được vận động thường xuyên, định kỳ có sử dụng chế phẩm sinh học. Ông Nguyễn Tuấn Văn chủ tịch Hội nông dân xã Sài Sơn có chia sẻ về hội viên Phan Nhân Lợi: “Ông Phan Nhân Lợi là một trong những hội viên hội nông dân xã Sài Sơn làm kinh tế giỏi, thu nhập từ kinh tế trang trại luôn ổn định, làm giàu bền vững, là một trong những người đi tiên phong trong việc tiếp thu khoa hoc kỹ thuật, được coi là khung hình trang trại kiểu mẫu cần được tuyên truyền nhân rộng trên toàn xã, toàn huyện”.

Đúng như những gì ông Văn đánh giá, chúng tôi vô cùng cảm phục sự chịu khó, ham học hỏi ở hộ nông dân Phan Nhân Lợi. Khi mà tận mắt chứng kiến được những việc làm của gia đình ông, những thành quả sau nhiều năm vun xới. Những cây bưởi diễn sai trĩu quả, đang hứa hẹn một mùa bội thu, những lứa baba đang chuẩn bị xuất bán, những lứa cá chuẩn bị cho thu hoạch. Thành công ấy không dấu được trên khuân mặt người nông dân Phan Nhân Lợi, xã Sài Sơn./.

 Hoàng Thị Lai – Trạm Khuyến nông Quốc Oai