Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến Ngành Nông nghiệp năm 2018

Bộ Nông nghiệp & PTNT vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019. Chủ trì Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường. Tham dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố.



Năm 2018, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, ngành Nông nghiệp và PTNT cả nước đã đạt được kết quả cao, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn về 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Các chỉ tiêu tổng hợp chủ yếu đều vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước. GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây; Giá trị sản xuất tăng 3,86%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 42,4%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,52%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,5%). Điểm nhấn trong năm 2018 là các địa phương đã tổ chức các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời thông qua các hội nghị, lễ hội, diễn đàn kết nối tiêu thụ và quảng bá nông sản, đã giảm thiểu tình hình ứ đọng sản phẩm, giảm thiệt hại cho người sản xuất.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như thịt lợn đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản. Tổng sản lượng thịt hơi 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%).

Ở lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1%; trong đó khai thác đạt 3,6 triệu tấn, tăng 5,3%; nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%. Giá trị sản xuất tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%).

Với ngành lâm nghiệp, Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,10%. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.860 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2017; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; sản lượng gỗ khai thác trong nước đạt 12,8 triệu m3, là những chỉ tiêu đạt cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Thứ hai, thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị công tác dự báo cung, cầu còn bất cập; việc “giải cứu” thịt lợn, giá thịt lợn có thời điểm tăng rất cao là bài học sâu sắc trong công tác chỉ đạo. Thứ ba, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý an toàn thực phẩm vẫn khó khăn, phức tạp. Thứ tư, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn.

Trong năm 2019, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD; có 50% xã và ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà ngành Nông nghiệp &PTNT đạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị trong năm 2019, các cấp, các ngành cần tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp & PTNT cần chuẩn bị tốt các điều kiện về tổ chức sản xuất, xử lý nghiêm các hành vi làm giả con giống, phân bón và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm./.

Nguyễn Thúy