Theo báo cáo tại hội nghị, sau khi khống chế được bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Phúc Thọ đã tập trung chỉ đạo việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi; thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch bệnh; khuyến khích các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản phát triển theo hướng an toàn sinh học. Hiện lĩnh vực chăn nuôi của huyện phát triển ổn định, với tổng đàn trâu, bò là 7.630 con (tăng 4,5% so với cùng kỳ), đàn lợn: trên 57 nghìn con (giảm 45,6%), gia cầm: trên 1,2 triệu con (tăng 3,5% so với cùng kỳ). Trong 6 tháng cuối năm, huyện Phúc Thọ phấn đấu tăng tổng đàn trâu bò lên 8.000 con; đàn lợn: 65 nghìn con; đàn gia cầm: 1,6 triệu con.
Theo ý kiến của đại diện lãnh đạo Trung tâm PTNN, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, để phát triển chăn nuôi bền vững, trong thời gian tới huyện Phúc Thọ cần tập trung đầu tư đàn lợn nái năng suất, chất lượng cao; nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn sinh học Phúc Thọ; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt; chăn nuôi theo chuỗi, chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Thành phố, huyện cần bố trí thêm nguồn vốn từ ngân sách của huyện và thu hút thêm nguồn vốn từ doanh nghiệp để đầu tư cho phát triển chăn nuôi của địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cũng nhấn mạnh: Trong thời gian tới các xã, thị trấn sẽ tập trung thực hiện theo quy hoạch chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; các hộ chăn nuôi lưu ý phát triển theo chuỗi và liên kết tiêu thụ sản phẩm; về con giống và cây giống huyện sẽ phôi hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT để lựa chọn con giống, cây giống tốt nhất để xây dựng thành sản phẩm chủ lực của huyện. Trong thời gian tới, huyện Phúc Thọ cũng sẽ tập trung nguồn lực xây dựng từ 3 đến 5 mô hình khuyến nông tiêu biểu, quy mô lớn để tạo điểm nhấn cho ngành chăn nuôi huyện./.
Lưu Phượng