Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

Sau 2 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội đã có hàng trăm sản phẩm được đánh giá, phân hạng, cấp sao, mở ra cơ hội cho làng nghề, cơ sở sản xuất nông nghiệp phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương.



 

Hiện Sở Nông nghiệp & PTNT, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đang xúc tiến nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển các sản phẩm OCOP.

Những ngày này, xưởng may com lê của ông Đào Ngọc Hùng (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) luôn nhộn nhịp với hàng chục công nhân cắt, may, hoàn thiện sản phẩm. Ông Đào Ngọc Hùng chia sẻ: Dịp này là thời gian sản xuất cao điểm, với thời tiết năm nay, dự báo hàng sẽ bán chạy. Hiện tại, mỗi ngày, xưởng may của gia đình sản xuất 200 bộ com lê, bán buôn cho các cửa hiệu trên phố Hà Nội. Có được kết quả này, bên cạnh nỗ lực của gia đình còn có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong công tác đào tạo nghề, quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề. Đặc biệt, đầu năm 2020, com lê do gia đình ông sản xuất được thành phố Hà Nội đánh giá đạt sản phẩm OCOP 4 sao, qua đó tạo niềm tin rất lớn cho người tiêu dùng.

Từ Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm của nông dân Thủ đô đã được hoàn thiện, chứng nhận, mở hướng phát triển mạnh mẽ hơn. Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) cho biết: "Năm 2019 đơn vị có 15 sản phẩm rau được thành phố đánh giá, xếp hạng OCOP 4 sao. Tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi có cơ hội được hoàn thiện sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời có định hướng phát triển sản phẩm cho các phân khúc thị trường cao như hệ thống siêu thị".

Đó là hai trong số rất nhiều chủ thể tham gia và được hưởng lợi từ Chương trình OCOP. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí: Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, thành phố đã triển khai rất quyết liệt chương trình này bằng việc lựa chọn, hỗ trợ, hoàn thiện, đánh giá, công nhận..., hàng trăm các sản phẩm lợi thế của địa phương. Sản phẩm OCOP đang đi vào tâm thức của người tiêu dùng Thủ đô cũng như cả nước - là sản phẩm chất lượng với hệ thống quản lý, giám sát chặt chẽ. Và đặc biệt, đó là sản phẩm của người Việt Nam, mang thương hiệu và chứa đựng bản sắc Việt Nam...

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận, tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, làng nghề của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng còn nhỏ lẻ, quy mô nông hộ là chính, sản phẩm đa phần dưới dạng thô, chưa có nhãn hiệu và ít có sự liên kết theo chuỗi giá trị... nên để đưa vào quy chuẩn theo Chương trình OCOP vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) cho biết: Năm 2019, sản phẩm rau cần Khai Thái được công nhận OCOP 4 sao, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được mối liên kết vững chắc với các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm chủ yếu được bán trên thị trường tự do với giá bấp bênh. “Chúng tôi mong muốn được thành phố hỗ trợ, quảng bá sản phẩm OCOP để đông đảo người tiêu dùng và nhà bán lẻ biết đến” - ông Hùng nói.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Hành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) cho rằng: Rất nhiều đặc sản của địa phương như kẹo lạc, kẹo dồi, rau, nấm... có chất lượng tốt, song nông dân thiếu hồ sơ minh chứng cho sản phẩm; mẫu mã bao bì chưa bắt mắt; chưa có “câu chuyện” để giới thiệu về sản phẩm như tiêu chí “chấm điểm” OCOP đề ra. Do vậy, các chủ thể rất cần được hướng dẫn để hoàn thiện thủ tục cần thiết cũng như sự hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học công nghệ... để có nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP.

Nắm bắt khó khăn của các chủ thể tham gia chương trình, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp hỗ trợ. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Đức Mai Văn Ngạn cho biết: Cùng với việc thúc đẩy tuyên truyền về Chương trình OCOP, Hội Nông dân đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể tham gia được vay vốn ưu đãi, đầu tư mở rộng sản xuất. Cụ thể, Hội Nông dân huyện Mỹ Đức đã thành lập 136 tổ tín chấp vay vốn ngân hàng, giải ngân hàng trăm tỷ đồng cho hàng nghìn hội viên… Đến nay, huyện Mỹ Đức đã có 16 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí: Cùng với các giải pháp về cơ chế, chính sách, để trợ giúp các chủ thể tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại, trung tuần tháng 12-2020, thành phố tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP gắn với văn hóa Nam Bộ. Mặt khác, thành phố sẽ triển khai hỗ trợ thiết kế bao bì có logo cho sản phẩm OCOP để thuận tiện trong công tác quản lý và nhận diện sản phẩm.../.

 NT (Theo Hà Nội mới)