Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả từ trồng cây hông

Trong 5 năm qua, diện tích rừng trồng mới của Hà Nội đạt 1.586,71 ha. Để phát huy tốt chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường, chống xói mòn, điều hòa khí hậu kết hợp phát triển kinh tế, Hà Nội đã đưa một số cây lâm nghiệp mới vào sản xuất. Trong đó cây hông là loài cây phù hợp với tập quán canh tác, sản lượng gỗ tốt, được thị trường đón nhận và mang lại nhiều hiệu quả.



Vườn ươm giống cây hông của gia đình ông Trần Như Hiệp (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) tuy mới được 3 năm nhưng cây hông tại đây đã cao tới 15 m, vòng ôm đạt 90 cm... "Cây hông rất dễ trồng, không phải chăm sóc nhiều, mức đầu tư giống ban đầu cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha; sau 3-5 năm cho thu hoạch, đạt 50-80 triệu đồng/ha, không phải trồng mới vì loại cây này tái sinh tới 3 lần - tức là sau khi thu hoạch, để lại gốc, cây sẽ tự mọc..." - ông Hiệp chia sẻ.

Giống như gia đình ông Trần Như Hiệp, cây hông đã và đang mang lại nhiều giá trị cho gia đình ông Trần Như Hào (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì). Gia đình ông Hào có 5 ha rừng trồng cây hông và toàn bộ diện tích rừng hông đến kỳ thu hoạch đã có doanh nghiệp đến thu mua. "Gỗ hông nhẹ, không cháy, được nhiều doanh nghiệp nội thất dùng làm đồ chơi cho trẻ em, xây dựng nhà lắp ghép, đóng tàu...", ông Hào cho biết. Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyên (xã An Phú, huyện Mỹ Đức) chia sẻ: "Hiện gia đình đã đưa cây hông vào trồng thử nghiệm, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Mong muốn lớn nhất của tôi là đến kỳ thu hoạch được doanh nghiệp thu mua thuận lợi".

Về loại cây này, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ba Trại (huyện Ba Vì) Đỗ Anh Tuấn cho hay: Hông là cây cản lửa tốt, khi gặp lửa, cây và lá không cháy. Hông trưởng thành cao 30m, góp phần ngăn cản lửa cuốn theo chiều gió, khó lây lan... Thực tế, thời gian qua, hông đã làm tốt vai trò đường băng cản lửa cho rừng Ba Vì... "Cây hông mang lại nhiều hiệu quả nhưng để nhân rộng và đưa gỗ hông trở thành loại gỗ phổ biến, tiêu thụ tốt vẫn là trăn trở của không riêng người trồng rừng...", ông Đỗ Anh Tuấn nói.

Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Đào, ở thôn Bưởi (xã Khánh Thượng) đang trồng gần 3 ha cây hông cho rằng: "Đời sống người dân miền núi còn khó khăn, thường thiếu nguồn vốn để đầu tư trồng cây lâm nghiệp mới, vì vậy rất cần các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ".

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, trong giai đoạn 2018-2019, thành phố đã quan tâm xây dựng mô hình trồng cây hông để nâng cao đời sống người dân và bảo đảm phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Khánh Thượng. Đến nay, mô hình rừng trồng này đang sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, cây hông được trồng tại nhiều huyện, thị xã có rừng trên địa bàn thành phố như: Thạch Thất, Ba Vì, thị xã Sơn Tây... chủ yếu bằng hình thức tự phát.

Do chưa đánh giá đầy đủ về giá trị của gỗ cây hông nên người dân vẫn khai thác và bán theo giá gỗ tạp thông thường; thị trường tiêu thụ gỗ hông chưa thực sự sôi động cũng đang là trăn trở của các địa phương khi mở rộng diện tích cây trồng này. Ngành Lâm nghiệp thành phố mong được sự quan tâm của các cơ quan, doanh nghiệp chế biến lâm sản, nhà khoa học cùng các chủ rừng có sự đánh giá toàn diện về loài cây lâm nghiệp mới này, qua đó làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn./.

NT (Theo Hà Nội mới)