Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả từ trồng cây dược liệu

Bà Nguyễn Thị Túy ở thôn Lương Xá, xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) bắt đầu trồng rau má theo mô hình liên kết với doanh nghiệp từ vụ xuân năm 2021. Bà Túy cho biết, khi doanh nghiệp về địa phương đặt vấn đề liên kết trồng rau má, tía tô, gia đình bà nhận lời ngay.



Tham gia liên kết, gia đình bà phải sản xuất theo quy trình kỹ thuật doanh nghiệp yêu cầu. Từ khâu làm đất đến thu hoạch đều không sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón có nguồn gốc hóa học nên nông dân mất nhiều công làm cỏ, ủ phân hữu cơ. Bù lại, trồng rau má 1 lần nhưng thu hoạch lâu dài; canh tác sạch nên sức khỏe nông dân tốt hơn, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu, không phải lo đầu ra. “Cứ hơn 1 tháng, gia đình tôi thu 1 lứa rau má 250-300kg/sào. Giá rau tươi doanh nghiệp thu mua là 25 nghìn đồng/kg... nên chúng tôi rất phấn khởi. Tính ra, trồng rau má hiệu quả cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa trước đây”, bà Túy nói.

Chia sẻ về mô hình liên kết trồng rau má, tía tô, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp GIGAHERBS Việt Nam (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) Trần Văn Nguyện cho biết: “Là kỹ sư nông nghiệp, trong một chuyến đi du lịch Nhật Bản, tôi thấy người Nhật Bản bán và sử dụng rất nhiều sản phẩm có thành phần là thảo dược như rau má, tía tô… Đây cũng là các loại thảo dược Việt Nam có lợi thế nên tôi cảm thấy thôi thúc cần xây dựng chuỗi liên kết với nông dân trong trồng, chế biến và đưa ra thị trường”.

Để có sản phẩm chất lượng tốt, toàn bộ quy trình sản xuất phải được kiểm soát chặt chẽ, khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đầu năm 2021, công ty thực hiện mô hình liên kết với nông dân thôn Lương Xá, xã Lam Điền để xây dựng vùng trồng nguyên liệu rau má, tía tô phục vụ sản xuất trà và bột rau sấy lạnh. Công ty đã xây dựng vùng trồng mẫu rau má, tía tô (1,3ha) với quy trình chuẩn để người dân làm theo; đồng thời ký hợp đồng liên kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm trên diện tích 1,7ha.

Những hộ ký hợp đồng liên kết đều được tập huấn quy trình sản xuất tại khu vườn mẫu trước khi trồng rau trên khu ruộng của gia đình. Theo ông Trần Văn Nguyện, thời gian đầu, khi thực hiện mô hình liên kết cũng có khó khăn. Nhiều hộ dân quen sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học nên nghi ngờ hiệu quả khi canh tác theo hướng hữu cơ. Hơn nữa, làm rau tỉ mỉ, mất nhiều công hơn làm lúa khiến nhiều người băn khoăn… Tuy nhiên, chỉ sau 1 vụ canh tác, hiệu quả được chứng minh, người dân rất phấn khởi.

Hiện nay, Công ty cổ phần Nông nghiệp GIGAHERBS Việt Nam đã xây dựng vùng sản xuất và khu chế biến sản phẩm thảo dược khang trang. Các sản phẩm: Trà rau má, lá sen; trà rau má tía tô; trà rau má, cà gai leo; trà tía tô, bạc hà; bột rau má, đậu xanh; bột rau má nguyên chất; bột tô diệp (bột tía tô sấy lạnh)… đang cung ứng cho thị trường cả nước. Năm 2022, công ty đăng ký với huyện Chương Mỹ có 8 sản phẩm dự thi đánh giá phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc đẩy mạnh chuỗi liên kết giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng và giúp nông dân có thu nhập cao hơn.../.

TX (Theo Báo HNM)