Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2021, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu có 400 sản phẩm được đánh giá, phân hạng. Đến nay, các địa phương đang đẩy mạnh công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm và hiệu quả đạt được rất khả quan, có thể vượt kế hoạch đề ra.



Nhiều huyện đã “về đích”

Ông Đinh Công Phu, đại diện Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cho biết, xã Ba Trại có 471ha trồng chè, trong đó có 40ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm chè của hợp tác xã đã được cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích, đánh giá bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mới đây, huyện Ba Vì đã tổ chức đánh giá, phân hạng 54 sản phẩm OCOP của 14 chủ thể (vượt 16 sản phẩm so với kế hoạch đề ra năm 2021). Các sản phẩm tham gia chủ yếu là nông sản, đồ uống có thế mạnh của huyện như: Sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa bò Ba Vì, mật ong rừng, chè búp khô, bưởi, tương nếp, đồ gỗ mỹ nghệ... Đây là những sản phẩm được huyện Ba Vì lựa chọn kỹ lưỡng, có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và câu chuyện sản phẩm hay. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, Chương trình OCOP đã giúp các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của huyện được chuẩn hóa để có chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt hơn. Qua đó, sản phẩm khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, giúp người dân phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Cùng với huyện Ba Vì, huyện Hoài Đức cũng đã đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 2021 được 22 sản phẩm OCOP. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho hay, huyện sẽ tiếp tục thực hiện các đợt đánh giá, phân hạng từ nay đến cuối năm. Năm 2021, các chủ thể trên địa bàn Hoài Đức đăng ký có từ 70 đến 75 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ “3 sao” trở lên. Theo kế hoạch, năm 2021 sẽ đánh giá khoảng 400 sản phẩm nhưng thời điểm này đã có 541 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã đăng ký tham gia. Trong đó, các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai, Ba Vì... đã hoàn thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Với kết quả như vậy, nhiều khả năng Hà Nội sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2021.

Đánh giá đúng thực chất

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định, không chỉ bảo đảm đạt mục tiêu về số lượng, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố sẽ làm việc nghiêm túc để bảo đảm chất lượng cho mỗi sản phẩm được phân hạng, cấp sao. Chủ trương chung của Hà Nội là tuyệt đối không chạy theo thành tích, không để nợ tiêu chí khi đánh giá…

Để bảo đảm tính khách quan, công bằng trong quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thành phố thực hiện đánh giá qua nhiều vòng. Trên cơ sở đánh giá của huyện, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội sẽ đánh giá 2 vòng. Những sản phẩm đủ minh chứng, đạt tiêu chí theo quy định, Hội đồng OCOP thành phố sẽ tổng hợp báo cáo trình UBND thành phố quyết định kết quả, cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP theo quy định... Đối với các sản phẩm tiềm năng "5 sao", thành phố sẽ báo cáo, trình Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Kinh Bắc (đơn vị tư vấn cho các chủ thể OCOP của Hà Nội) Vương Thị Kim Thắm, qua đợt đánh giá phân hạng sản phẩm năm 2021, có thể thấy, rất nhiều chủ thể đã ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến... nên sản phẩm có chất lượng rất cao. Điển hình như tại huyện Ba Vì, Công ty cổ phần Sữa Ba Vì và Công ty cổ phần Sữa Con bò vàng đã có các chứng nhận ISO... nên sản phẩm đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn “4 sao”.

Bà Nguyễn Phi Thanh Vân, lần đầu tiên đưa sản phẩm bún gạo lứt và phở gạo lứt (huyện Hoài Đức) tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chia sẻ: “Tham gia OCOP, chúng tôi phải bảo đảm 100% nguyên liệu sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; quá trình sản xuất không sử dụng phẩm màu, hóa chất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận chính là cơ sở pháp lý để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng”.

Công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể nâng cao thu nhập; đồng thời phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương và góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới. Không chỉ dừng ở việc đánh giá, phân hạng, với các sản phẩm đã được công nhận, thành phố tiếp tục kiểm tra để nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ các chủ thể tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong quá trình sản xuất, lưu thông..., từ đó nâng cao chất lượng, mang lại giá trị cao hơn cho sản phẩm OCOP./.

Theo Báo Hà Nội mới