Anh Nguyễn Văn Lâm ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu là một trong những người tiên phong đầu tư khu chăn nuôi tập trung ở xã. Năm 2006, anh mạnh dạn đầu tư gần chục tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Đến nay, trên diện tích khoảng 1,3ha là mô hình vườn - ao - chuồng với 100 cây bưởi Diễn, hơn 5.000m2 nuôi thả cá chép lai; 2 khu chăn nuôi lợn quy mô 100 nái và 600 lợn thịt/lứa; 2 khu nuôi gà đẻ siêu trứng với tổng đàn 47.000 con. Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và khép kín nên hạn chế dịch bệnh, doanh thu mỗi năm của trang trại đạt khoảng 20 tỷ đồng.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tường - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm, từ năm 2014, trang trại triển khai mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, mặc dù chi phí sản xuất cao hơn 20% so với phương pháp truyền thống nhưng nuôi lợn an toàn sinh học ít xảy ra dịch bệnh và bán được giá cao hơn. Đến nay, hợp tác xã duy trì tổng đàn khoảng 200 con lợn thương phẩm và đã xây dựng được thương hiệu “Thịt lợn sinh học Quốc Oai”. Do có thương hiệu, tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nên hợp tác xã ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng tiện ích khoảng 4-5 tạ/ngày.
Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Khải cho biết, toàn xã đã hình thành khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với diện tích khoảng 100ha, hiện có gần 55 trang trại chăn nuôi gà, vịt; 65 trang trại nuôi lợn, quy mô 5.000-30.000 con/trang trại; hơn 90% số hộ đầu tư chăn nuôi công nghiệp khép kín theo hướng an toàn; doanh thu hằng năm của mỗi trang trại đạt 2-16 tỷ đồng, trừ chi phí, thu lãi từ 500 triệu đồng đến gần 4 tỷ đồng...
Đánh giá về hiệu quả của mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn tại xã Cấn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí nhận xét, Cấn Hữu chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sản phẩm thịt lợn sinh học của Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm đã đạt tiêu chuẩn "4 sao" trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
Dù có được kết quả ban đầu khá tích cực nhưng hiện nay, Cấn Hữu còn một số khó khăn như: Đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, hệ thống cơ sở hạ tầng, cứng hóa kênh mương ở khu chăn nuôi tập trung chưa hoàn chỉnh, nông dân thiếu vốn để mở rộng quy mô trang trại...
Để chăn nuôi ở xã tiếp tục phát triển, anh Nguyễn Văn Lâm kiến nghị, các sở, ngành cần tham mưu thành phố hỗ trợ người dân về vốn vay với lãi suất ưu đãi, đẩy mạnh công tác thông tin về nhu cầu thị trường để tránh tình trạng "được mùa - mất giá". Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại những vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung; hỗ trợ thuốc tiêu độc khử trùng môi trường; mở các lớp tập huấn cho chủ trang trại về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi...
Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc thông tin, thời gian tới, huyện tiếp tục giúp nông dân trên địa bàn xã Cấn Hữu tham gia các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, mời gọi doanh nghiệp ký kết hợp đồng với các chủ trang trại trong khâu tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa chăn nuôi trở thành nghề mang lại thu nhập cao cho nông dân./.
Theo Báo HNM