Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả mô hình trồng đào tại xã Vân Tảo

Nằm ở phía đông huyện Thường Tín, có diện tích đất nông nghiệp là 307,08 ha, xã Vân Tảo có vị trí địa lý hết sức thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng hoa, cây cảnh. Trong đó, nghề trồng hoa đào đã trở thành nghề truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.



Chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đào, đến nay, toàn xã Vân Tảo hiện có khoảng 900 hộ với trên 100 ha diện tích trồng hoa đào, tập trung chủ yếu tại thôn Đông Thai và thôn Nội Thôn. Theo tính toán của xã, mỗi ha diện tích trồng đào cho người dân thu nhập từ 900 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng/năm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã góp phần tăng thu nhập, cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Ông Bùi Văn Nguồn (thôn Đông Thai, xã Vân Tảo) là một điển hình về trồng đào đạt hiệu quả cao. Từ năm 2005, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1800 m2 sang phát triển mô hình trồng hoa đào. Sau hơn 10 năm trồng đào, qua quá trình chăm sóc, tích lũy kinh nghiệm, đến nay, ông Nguồn đã trồng và chăm sóc trên 300 gốc đào. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi khoảng 600-700 triệu đồng/năm.

Ông Nguồn cho biết: “So với các mô hình khác, mô hình trồng đào cho hiệu quả kinh tế cao. Vụ hoa năm nay, nhà tôi đã tuốt lá đào, ủ nụ chờ đến tết nở. Trồng đào rừng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn vì phải ghép mắt. Phương thức chăm sóc cũng phức tạp hơn. Năm nay nhu cầu tiêu thụ đào tương đối lớn. Hiện nhiều vùng đào nổi tiếng như Nhật Tân, La Cả cũng đã về đây đặt mua đào, nhiều cây đã được chuyển đi phục vụ thị trường Tết”.

Ông Bùi Đức Uy, Bí thư thôn Đông Thai chia sẻ: “Thôn Đông Thai có trên 400.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 100.000 m2 đất trồng đào. Phát triển trồng đào từ năm 1990, sau khi trồng, người dân thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Trong những năm qua, người dân nơi đây phát triển mạnh nghề trồng đào, trong đó đáng chú ý là có những cây đào thế có giá từ 30-40 triệu đồng/cây”.

Cây đào rừng đang là loại cây chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây khác. Không chỉ có kinh nghiệm, những người dân trồng đào của xã cũng nắm vững và áp dụng thành công các kỹ thuật: Cưa cành, cắt tỉa lá, ghép mắt, bọc nilon, sưởi điện… cho đào để đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán và cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2017, xã Vân Tảo đã xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ đào, hoa, cây cảnh đảm bảo bền vững cho các khu trồng đào, hoa, cây cảnh trên địa bàn xã. Diện tích trồng hoa đào tại Vân Tảo đang không ngừng được mở rộng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người nông dân. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã Vân Tảo đạt trên 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo sau khi trừ các hộ được bảo trợ xã hội là 0,78% tổng số hộ dân. Trong đợt thẩm định xã nông thôn mới năm 2018, xã Vân Tảo được trên 95 điểm, đủ điều kiện để xem xét, quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo bà Trương Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND xã Vân Tảo, Vân Tảo nổi tiếng là vùng đất trồng hoa, cây cảnh, trong đó nổi bật là cây đào. Trước đây, cây đào chỉ được trồng ở một vài nơi nhưng đến nay đã phát triển ra toàn xã, giúp cho nền kinh tế của xã Vân Tảo đi lên.Trong những năm tới, địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi đất lúa truyền thống sang trồng đào. Đây là tiền đề có ý nghĩa quan trọng, giúp địa phương cải thiện tiêu chí thu nhập trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. 

Nghề trồng đào đang là hướng đi đúng đắn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong không khí của Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, người dân xã Vân Tảo cũng đang tấp nập chăm chút cho những cây đào để cung cấp ra thị trường phục vụ Tết, hứa hẹn một cái tết no ấm, bội thu./.

Nguyễn Thúy