Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn hạn chế dịch bệnh phát sinh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.



Ông Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) chia sẻ, hiện nay, với quy mô 30.000m2 nuôi 10.000 gà đẻ và 20.000 gà thịt/năm theo hướng an toàn sinh học, đàn gia cầm ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt ngon, mỗi năm gia đình ông có thu nhập 1 tỷ đồng. Còn ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì) cũng cho biết, hợp tác xã có 5.000m2 đất ở Yên Mỹ trồng rau thủy canh, mỗi năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng...

Việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là cơ sở để phát triển các mô hình an toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, đến nay, Hà Nội đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung (từ 50 ha đến 300 ha/vùng) với tổng diện tích hơn 40.000 ha cùng 5.044 ha rau an toàn, hơn 50 ha rau hữu cơ, gần 50 vùng trồng hoa chất lượng cao… Việc tập trung phát triển vùng hàng hóa đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa công nghệ cao vào sản xuất. Hiện Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm bán trên thị trường.

Tuy nhiên, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bấp bênh, nông dân thiếu vốn - đây là những trở ngại trong mở rộng quy mô sản xuất theo hướng an toàn. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho rằng, các ngành chức năng cần tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn; tổ chức các hội nghị, xúc tiến thương mại để hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm...

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho hay, huyện đang tập trung hỗ trợ phát triển các vùng lúa cao sản, chất lượng cao tại các xã: Sơn Đà, Tòng Bạt, Cổ Đô; vùng sản xuất ngô tại các xã: Thuần Mỹ, Tòng Bạt, Minh Châu; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Tây Đằng, Chu Minh, Minh Châu; vùng sản xuất chè tại các xã miền núi; vùng trồng hoa tại các xã: Tây Đằng, Phong Vân cho thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, huyện Ba Vì cũng chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng xa khu dân cư gắn với công tác xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường; tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa, bò BBB, bò lai, Wagyu, đà điểu ở một số xã: Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Minh Châu; khu nuôi trồng thủy sản ở các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Phú Đông, Phú Cường, Phong Vân theo hướng thâm canh an toàn sinh học.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để tạo ra nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân, trọng tâm là tập huấn trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đồng thời, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông sản an toàn, kết nối liên kết bảo đảm sản phẩm an toàn; xây dựng thương hiệu cho nông sản theo hướng an toàn; quảng cáo, giới thiệu tới các siêu thị, cửa hàng tiện ích phân phối..., đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô và các địa phương lân cận./.

NT (Theo Hà Nội mới)