Khép kín quy trình chăn nuôi
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm cho biết, hợp tác xã có 13 thành viên, trong đó có 5 hộ chăn nuôi tương ứng với 5 trang trại, các hộ khác làm dịch vụ cung ứng thức ăn, giết mổ, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm… Với 5 trang trại chăn nuôi, hợp tác xã thường xuyên duy trì đàn lợn từ 1.500 đến 1.800 con lợn bố mẹ và lợn thương phẩm.
Tham gia hợp tác xã, các thành viên đều chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung, xa khu dân cư, bảo đảm khoảng cách so với nơi sinh hoạt của gia đình. Các hộ đều xây dựng chuồng nuôi kiên cố, ấm về mùa đông, có hệ thống quạt mát về mùa hè, có hệ thống cho ăn, nước uống bán tự động, kho chứa thức ăn, hệ thống xử lý chất thải đầy đủ… Bên cạnh đó, hợp tác xã khép kín toàn bộ quy trình sản xuất từ con giống đến thức ăn, nên mang lại hiệu quả rõ rệt.
Anh Nguyễn Văn Lâm, thôn Cấn Thượng, là một trong những hộ thành viên hợp tác xã hiện có quy mô chăn nuôi lớn. Anh Lâm cho biết, gia đình đang có 600 con lợn thịt và 120 con nái. Với số nái trên, anh Lâm cung cấp giống cho gần hết các trang trại chăn nuôi thành viên của hợp tác xã. Ngoài ra, hộ anh Lâm còn chủ động phối trộn thức ăn chăn nuôi, ngô, đậu tương, cám gạo, men vi sinh… theo tỷ lệ và quy định sử dụng trong chăn nuôi của gia đình và các hộ thành viên. Cám tự làm phát huy hiệu quả về mức độ an toàn, bảo đảm thành phần dinh dưỡng, hơn nữa lại giảm 5-10% so với mua cám công nghiệp. Chính biện pháp này đã giúp thành viên hợp tác xã vượt qua đợt “bão giá” ngay cả thời điểm giá lợn bị giảm sâu do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đem đến nhiều lợi ích rõ rệt như giảm tỷ lệ dịch bệnh do có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường. Từ đó, hạn chế sử dụng kháng sinh giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng thu nhập cho người nuôi.
Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm
Bên cạnh quy trình chăn nuôi khép kín, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm còn thực hiện liên kết trong khâu giết mổ, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Là Giám đốc cũng đồng thời là thành viên của hợp tác xã, gia đình anh Nguyễn Đình Tường chuyên giết mổ, chế biến thịt lợn. Mỗi tháng, gia đình giết mổ khoảng 100 con lợn. Sản phẩm cung cấp thịt tươi cho các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài huyện; các cơ sở chế biến thực phẩm, như: “Giò chả Hợi Thương”, “Giò chả Thủy Đoán”, “Sạch Từ Tâm” là các đơn vị có sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP của thành phố… Ngoài ra, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm còn chế biến thịt lợn thành xúc xích, giò, chả... Trong đó có 3 sản phẩm là xúc xích, giò lụa, thịt lợn đã được công nhận đạt OCOP 4 sao của thành phố.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) cho biết, thời gian qua, huyện và Sở Nông nghiệp & PTNT đã có nhiều hỗ trợ cho hợp tác xã thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn như hỗ trợ các vùng sản xuất tập trung, xây dựng đề án bảo vệ môi trường, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức các hội chợ quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm... Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng chuỗi sản xuất nông sản an toàn, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm đang đóng góp rất lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản và là nhân tố tiên phong trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô.
Tuy vậy, hợp tác xã cũng còn gặp một số khó khăn. Hiện nay, sản phẩm thịt lợn tiêu thụ qua các chuỗi liên kết mới đạt 45% tổng sản lượng. Phần còn lại, các hộ chăn nuôi trong hợp tác xã vẫn tiêu thụ qua các thương lái trên thị trường tự do. Chính vì vậy, nội lực sản xuất còn lớn, nhưng các chủ trang trại chưa dám mở rộng quy mô. Hợp tác xã mong muốn được thành phố và huyện Quốc Oai quan tâm hỗ trợ thêm công nghệ chế biến sâu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi./.
TA (Theo Báo HNM)