Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả kinh tế từ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nền sản xuất nông nghiệp Thủ đô, giúp tăng giá trị cây trồng vật nuôi và tạo nền tảng cho những bước phát triển mạnh mẽ sau này.



Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, việc tái cơ cấu giúp ngành nông nghiệp duy trì được đà tăng trưởng trong nhiều hoàn cảnh khó khăn. Cơ cấu nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 90,44%; thủy sản 9,29%; lâm nghiệp 0,27%.

Bên cạnh đó, Hà Nội hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Cơ cấu giống cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng cường sử dụng giống có chất lượng cao, giá trị cao, thay thế dần các giống chất lượng thấp, không phù hợp.

Cơ cấu giống lúa hiện nay tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, nhóm giống lúa chất lượng, lúa nếp chiếm 65,5% diện tích gieo trồng. Diện tích sản xuất hoa, cây cảnh tăng và diện tích gieo trồng hoa chất lượng cao đạt hơn 30% diện tích. Đặc biệt, các vùng trồng đã được cấp mã số, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.

Trong ngành chăn nuôi, điển hình của tái cơ cấu chính là việc phát triển chăn nuôi theo vùng, tập trung phát triển đàn lợn, trâu, bò theo hướng công nghệ cao và gắn với chuỗi; sản xuất con giống, chuyển giao công nghệ, tạo giá trị gia tăng. Hay như ngành thủy sản của Hà Nội chỉ chiếm 9,29% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng do sự tích cực chuyển đổi, trong năm 2023, giá trị sản xuất thủy sản của thành phố lên tới 3.566 tỷ đồng, tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp & PTNT, mặc dù đã mang lại nhiều kết quả khả quan nhưng việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Chưa có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, dẫn đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.

Vì vậy, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,5 - 3%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 60%.

Thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm. Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Điển hình như đối với cây lúa sẽ nâng cao hiệu quả đất trồng lúa. Giảm dần diện tích trồng lúa, kế hoạch gieo trồng năm 2024, ước đạt 150.000 ha, sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm. Tập trung phát triển theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế và chế biến lúa gạo; đối với cây ăn quả mở rộng diện tích đạt 23.206 ha, tập trung phát triển cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như: Nhãn chín muộn, bưởi Diễn, cam Canh, táo, ổi,...

Tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi, tập trung phát triển con giống chất lượng cao trên cơ sở lưu giữ và bảo tồn các giống bản địa chất lượng cao. Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm phù hợp với từng vùng và định hướng phát triển của Thành phố; từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư và chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi.

Đồng thời cơ cấu đàn vật nuôi, tập trung phát triển con giống chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn Thành phố và cung ứng ra các tỉnh trong nước. Đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát, giết mổ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Phát triển đàn vật nuôi ổn định dự kiến đàn trâu duy trì 28,8 nghìn con, đàn bò 135 nghìn con, đàn lợn 1,65 triệu con, đàn gia cầm 40 triệu con. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, không để các dịch bệnh lớn xảy ra.

Ngoài ra, phát triển thủy sản theo hướng bền vững, có năng suất, chất lượng cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Chủ động ứng phó với khí hậu, phòng chống dịch bệnh thủy sản, giám sát môi trường, giám sát an toàn thực phẩm ngay trong quá trình nuôi. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, nâng cao thu nhập, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng.

Thành phố cũng rà soát lại cơ cấu nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh. Khuyến khích nuôi công nghiệp trên cá diện rộng và quy mô nhỏ, áp dụng nuôi thâm canh, công nghệ cao, thực hành nuôi tốt (GAP) theo quy chuẩn; diện tích nuôi trồng thuỷ sản: 24.700 ha, sản lượng thủy sản: 140.000 tấn.

Khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những khu vực có điều kiện sản xuất khó khăn về nguồn nước, những vùng trũng thấp khắc phục được tình trạng bỏ ruộng không canh tác của người dân trong đó đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng có chất lượng cao, sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường. Chú trọng những sản phẩm cây trồng, dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với nhu cầu và phục vụ phát triển đô thị, phù hợp với tính chất, đặc điểm khu vực đô thị, khu vực ven đô, phát triển các mô hình trang trại nông nghiệp trong đô thị./.

NT (Theo www.chinhphu.vn)