Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội triển khai có hiệu quả “Tháng phát động vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường”

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp về dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại một số địa phương trên địa bàn cả nước. Công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, là biện pháp chủ động nhằm cắt đứt yếu tố lây truyền của mầm bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi phát triển, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.



          Thực hiện Công văn số 1256/BNN-TY ngày 02/02/2018 của Bộ Nông nghiệp & PTNT; Công văn số 1376/VP-KT  của UBND Thành phố Hà Nội và chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội về việc triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt I/2018. Để ngành chăn nuôi của Thành phố phát triển cả về số lượng, chất lượng, đạt tỷ trọng cao giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Chi cục Thú y Hà Nội đã triển khai có hiệu quả “ Tháng phát động vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt I/2018” do Bộ Nông nghiệp & PTNT phát động.

Để “Tháng phát động vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường” có hiệu quả; ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Chi cục Thú y Hà Nội đã phối hợp cùng UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc sau: Tham mưu, tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành.Tất cả các đối tượng thuộc diện phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng (Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chợ buôn bán động vật – sản phẩm động vật; nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm...) phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.Việc tiêu độc, khử trùng phải được thực hiện theo quy định: vệ sinh cơ giới trước; sau đó tiến hành khử trùng, tiêu độc bằng hóa chất.Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và các phương tiện, dụng cụ trong quá trình tiêu độc, khử trùng.Người tham gia thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phải được trang bị đầy đủ dụng cụ và bảo hộ lao động như: máy động cơ, khẩu trang, quần áo bảo hộ, kính, ủng, găng tay,... Bên cạnh đó, tăng cường các hình thức truyền thông để nâng cao kiến thức,ý thức và trách nhiệm cộng đồng để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng”.

Thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 thành phố đã cấp 41.075 lít, kg hóa chất cho các địa phương. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để các địa phương cùng vào cuốc, chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở tham mưu cho lãnh đạo các địa phương triển khai kế hoạch và tăng cường công tác kiểm tra kế hoạch triển khai tại các xã phượng. Kết quả đến nay, 584/584 xã, phường, thị trấn đã tổ chức hoàn thành công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tổng diện tích tiêu độc là 37.836.000 m2. Một số huyện triển khai rất tốt công tác này như Sóc Sơn, Đông Anh, Thạch Thất, Thanh Oai… Ngoài lượng hóa chất do thành phố hỗ trợ, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí tổ chức, triển khai, mua bổ sung hóa chất và vôi bột (209.050 kg vôi và 264 triệu đồng); đồng thời tuyên truyền, vận động các cơ sở, người chăn nuôi chủ động mua bổ sung hóa chất và hưởng ứng thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Có thể nói “tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch cúm gia cầm” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Còn một số địa phương chưa hỗ trợ hoặc hỗ trợ chưa đầy đủ kinh phí vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Vẫn còn một bộ phận người dân trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước …

 Phun khử trùng tiêu độc là một biện pháp hữu hiệu tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, cắt đứt yếu tố lây truyền của mầm bệnh, hạn chế dịch bùng phát, bảo vệ đàn vật nuôi và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do vậy các địa phương và các ngành liên quan cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về tầm quan trọng của việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Các xã, thị trấn thành lập các đội phun thuốc tại các khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán động vật sống, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm… Đồng thời, yêu cầu các trang trại ngoài đối tượng được hỗ trợ của thành phố chủ động mua vật tư, hóa chất, vôi bột tự tiến hành tiêu độc, khử trùng trong khu vực chăn nuôi của mình, có sự giám sát của cơ quan thú y. Vận động những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua vôi bột rắc ở lối đi lại và xung quanh chuồng nuôi.

          Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” việc thực hiện tốt “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi và sức khỏe của cả cộng đồng./.

Cấn Xuân Minh – Chi cục Thú y Hà Nội