Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến ngày 09/9, trên địa bàn thành phố bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 29.939 hộ, cơ sở chăn nuôi/2.331 thôn/448 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 514.303 con lợn với trọng lượng 35.269 tấn. Đã có 247 xã, phường, thị trấn (chiếm 55% tổng số xã, phường có dịch) và 03 quận (Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên) dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.



Tuy nhiên, trong 2 tuần qua, một số địa phương dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng lại phát sinh trở lại, đặc biệt một số địa phương những ngày gần đây dịch bệnh có chiều hướng phát sinh và phải tiêu hủy nhiều lợn. Dự báo thời gian tới diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, nguy cơ lây lan trên diện rộng rất lớn, kể cả các hộ chăn nuôi quy mô lớn, trang trại, gia trại. Để khống chế, ngăn chặn có hiệu quả bệnh DTLCP, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã ban hành công văn số 2993/SNN-CNTY đề nghị  Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:

Tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và chỉ đạo của Trung ương, Thành phố.

Tổ chức triển khai nghiêm túc các nội dung tại văn bản số 5169/BNN-TY ngày 22/7/2019 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Không chủ quan trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là các địa phương dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.

Khuyến cáo các hộ chăn nuôi chủ động triển khai tổng hợp các nhóm giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP, trong đó chú trọng các giải pháp chăn nuôi an toàn ính học.

Có giải pháp tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, lựa chọn thay đổi mô hình chăn nuôi phù hợp, theo quy hoạch, theo vùng, xã chăn nuôi trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư, chăn nuôi công nghệ cao, theo hướng an toàn sinh học.

Chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn lợn phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương: rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo thực hiện ATSH; những vùng không bị dịch; những vùng bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái dịch đủ điều kiện đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn sinh học thì có thể tái đàn; duy trì đảm bảo thật tốt các giải pháp trong đó chú ý chất lượng và nguồn gốc con giống an toàn. Chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc tiêm phòng các loại vắc xin và khử trùng tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Tai xanh, LMLM, dịch tả lợn cổ điển,…

Chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y quản lý chặt đàn vật nuôi trên địa bàn; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và phòng, chống dịch bệnh; kiên quyết ngăn chăn và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cũng giao các đơn vị trực thuộc (Chi cục Chăn nuôi & Thú y, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển nông nghiệp) hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả hơn công tác phòng chống bệnh DTLCP; chủ động triển khai công tác phòng, chống các dịch bệnh khác trên vật nuôi trong vụ Thu Đông 2019 và Đông Xuân 2019 - 2020; Kịp thời tham mưu, đề xuất các vấn đê phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp tốt với các đơn vị trực thuộc Sở, các quận, huyện, thị xã và các ngành liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; Tuyên truyền, tập huấn đến cán bộ chuyên môn, các hộ chăn nuôi về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời tuyên truyền về việc sử dụng thịt lợn rõ nguồn gốc, an toàn thực phẩm./.

TX (TH)