Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh

Những năm gần đây, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội (Ngân hàng CSXH Hà Nội). Năm 2019, Chi nhánh sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các đối tượng để thực hiện vay vốn ưu đãi.



Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH Hà Nội đã phát huy được hiệu quả. Nhờ được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống như gia đình bà Phạm Thị Mấn, thôn Tân Dân 2, xã Phương Trung. Bà Mấn cho biết, dù gia đình rất cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, nhưng do chồng bị bệnh tim, bản thân mình bị bệnh tiểu đường, con lại bị bệnh phổi nên cuộc sống gia đình gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Được vay 30 triệu từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách, gia đình bà đã đầu tư mua bò để chăn nuôi, nhờ vậy, kinh tế gia đình đang dần bớt khó khăn. Bà Mấn cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới, tiếp tục được vay thêm vốn của ngân hàng để mở rộng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Không chỉ làm cho cuộc sống các hộ vơi bớt khó khăn, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH còn giúp cho nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo và có kinh tế phát triển bền vững, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động. Điển hình như gia đình chị Lê thị Phượng, thôn Tân Tiến, xã Phương Trung, năm 2017, khi được vay vốn là hộ cận nghèo, với 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Oai, gia đình chị quyết định đầu tư vào nghề may. Đến nay, kinh tế gia đình đã phát triển ổn định, bên cạnh đó, chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng. 

Bác Quách Ngọc Quyết, thôn Gốc Báng, xã An Phú cho biết, sau khi được tuyên truyền về các lợi ích khi vay vốn phát triển kinh tế, gia đình đã làm đơn xin vay vốn và được vay 50 triệu từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, nhờ đó, gia đình đã mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm. Kết hợp với việc vay vốn từ quỹ HSSV, đến nay, 3 con nhà bác Quyết đã được theo học Đại học. Bác Quyết cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được vay vốn ưu đãi để đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Phó Chủ tịch xã An Phú Nguyễn Văn Hoán cho biết, xã có 276 hộ nghèo, 218 hộ cận nghèo, 70 hộ thiếu đất sản xuất, 63 hộ có người đau yếu thường xuyên,… Trong tháng 2 và tháng 3 năm 2019, UBND huyện đã phân bổ tăng trưởng vốn cho xã An Phú với tổng nguồn vốn là 6,5 tỷ đồng gồm 2 chương trình: Cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (4,5 tỷ đồng) và cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (2 tỷ đồng). Để triển khai chương trình, xã sẽ tập hợp nhu cầu vay vốn của các hộ vay đủ điều kiện trình NHCSXH để bổ sung nguồn cho vay, đặc biệt đối với nhu cầu vay kỳ 1 năm học 2018-2019 chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, xã cũng sẽ tiếp tục vận động các thành viên của tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm, phấn đấu 100% hộ vay gửi tiền tiết kiệm với mức 50 nghìn đồng/người/tháng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, trong tháng 2/2019, toàn Chi nhánh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ theo kế hoạch đã xây dựng, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, vốn huy động từ dân cư và qua Tổ TK&VV tăng so với tháng 01 và năm 2018. Cụ thể, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đến 28/2/2018 đạt 7.314 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn Trung ương điều chuyển 3.683 tỷ đồng; Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 2.373 tỷ đồng, tăng 3,2 tỷ đồng so với tháng 1 và tăng 15,4 tỷ đồng so với đầu năm; Nguồn vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế và qua Tổ TK&VV là 1.259 tỷ đồng, tăng 45,5 tỷ đồng so với tháng 1 và tăng 44,7 tỷ đồng so với đầu năm,… Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng đến 28/2/2019 đạt 7.268 tỷ đồng với trên 286 ngàn khách hàng đang vay vốn. Trong đó, trên 32.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo còn dư nợ.

Trao đổi về công tác cho vay vốn cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, từ ngày 1/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng (10 năm) thay vì 60 tháng (5 năm) như trước đây. 

Do đó, năm 2019, Ngân hàng CSXH TP Hà Nội được bổ sung từ nguồn vốn Trung ương là 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, do đó, Ngân hàng sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể thẩm định kỹ phương án kinh doanh của người vay, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ xin ý kiến để cơ cấu lại nguồn vốn cho vay, đối với nơi có ít nghèo cận nghèo, thoát nghèo hơn thì chuyển vốn sang cho các huyện khó khăn, các vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, Ngân hàng CSXH TP cũng sẽ chủ động phối hợp với các phòng, ban, cơ quan liên quan tham mưu UBND các cấp bố trí vốn chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn năm 2019. Đối với những địa bàn cấp huyện đã được HĐND thông qua Nghị quyết bổ sung vốn năm 2019 như: Thanh Xuân, Ba Đình, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Cầu Giấy,... cần khẩn trương tích cực tham mưu chuyển vốn sang NHCSXH để triển khai cho vay./.

                                                               TT (Theo Cổng GTĐT TP Hà Nội)