Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Theo thông báo từ Cục Thú y, đến nay dịch bệnh Lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố làm nhiều gia súc mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy và dịch bệnh tiếp tục đang có diễn biến phức tạp.



 Trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số ổ dịch LMLM trên đàn lợn tại một số xã thuộc các huyện Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn. Cùng với đó, đây là thời điểm thời tiết đang diễn biến phức tạp, nhu cầu vận chuyển, lưu thông, kinh doanh, giết mổ động vật, sản phẩm động vật tăng cao nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh là rất cao.

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn với các nội dung sau:

  1. Đối với các địa phương đã, đang có ổ dịch LMLM:

- Tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; tổng kiểm tra tình hình bệnh LMLM và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc tại địa phương; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả ngay từ đầu, tuyệt đối không để bệnh lây ra diện rộng.

- Khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới tại các địa phương đã và đang có dịch bệnh LMLM; tổ chức tổng vệ sinh môi trường, xử lý gia súc bệnh, gia súc chết, phun thuốc tiêu độc khử trùng; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho toàn bộ đàn gia súc của các xã đã, đang có dịch bệnh và các địa phương có nguy cơ cao; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc rời khỏi vùng dịch theo đúng quy định.

- Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; thực hiện công bố dịch và tổ chức chống dịch khẩn cấp theo đúng các quy định của pháp luật thú y hiện hành; bố trí kinh phí và tổ chức các hoạt động chống dịch trên đại bàn theo quy định.

- Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh và không khai báo kịp thời dịch bệnh.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người dân biết và chủ động hợp tác trong phòng chống dịch bệnh; thực hiện việc khai báo dịch bệnh theo quy định; nêu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh LMLM, các biện pháp xử lý gia súc bệnh, mức hỗ trợ của nhà nước đối với gia súc nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

- Thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hộ sản xuất bị thiệt hại trực tiếp do dịch bệnh theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Thực hiện việc chi trả hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có gia súc phải tiêu hủy đảm bảo đúng quy định, nhanh chóng, kịp thời để hộ chăn nuôi tái sản xuất.

- Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo UBND các cấp làm trưởng đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại xã, thị trấn, các cơ sở chăn nuôi; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2019.

  1. Đối với các địa phương chưa có dịch bệnh LMLM

- Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo. Khi có dịch xảy ra, thực hiện tiêu hủy triệt để gia súc mắc bệnh khi dịch còn ở diện hẹp và áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt dập tắt nhanh ổ dịch.

- Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo UBND các cấp làm trưởng đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại xã, thị trấn, các cơ sở chăn nuôi. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh.

- Chỉ đạo, tổ chức và tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn gia súc đặc biệt là vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm./.

TX (TH)