Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thông tin, tuyên truyền pháp luật, kiến thức về chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản. Phối hợp với các báo, đài tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định của nhà nước về ATTP, chế tài xử lý hành chính, xử lý hình sự, điều kiện sản xuất kinh doanh, kiến thức thực hành đảm bảo ATTP tại cơ sở.
Quán triệt nhận thức, trách nhiệm các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý ATTP trên địa bàn, ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, triển khai công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản, nhất là UBND các xã, phường, thị trấn.
Thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy hoạch giết mổ. Nhân rộng các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Hỗ trợ, khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt. Kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư vào giết mổ, chế biến nông sản. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm nông sản an toàn.
Chỉ đạo Phòng Kinh tế quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn căn cứ phân công, phân cấp của UBND thành phố: Tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, lấy mẫu kiểm tra, giám sát ATTP tiêu thụ trên địa bàn, tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản trong chợ, cơ sở xếp loại C, hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Các trường hợp mẫu phát hiện không đạt yêu cầu cần thông tin phối hợp truy xuất, điều tra xác minh, xử lý và cảnh báo kịp thời theo quy định.
Thống kê, đánh giá xếp loại và công khai các cơ sở theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Triển khai ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đối với 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT và Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 24-12-2018 của UBND thành phố về công tác ATTP thành phố Hà Nội năm 2019.
Trong văn bản này, Sở Nông nghiệp &PTNT cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Sở, cụ thể: Các Chi cục chuyên ngành được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng ATTP, vật tư nông nghiệp tăng cường thông tin, tuyên truyền pháp luật, kiến thức về chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản bằng nhiều hình thức. Phối hợp với các báo, đài trung ương, Hà Nội tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định của nhà nước về ATTP, chế tài xử lý hành chính, xử lý hình sự, kiến thức đảm bảo ATTP tại cơ sở.
Thanh tra Sở, thanh tra chuyên ngành các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất, giám sát lấy mẫu, hậu kiểm tự công bố, tập trung vào cơ sở giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, cơ sở xếp loại C, cơ sở có mẫu giám sát bị vi phạm chất lượng ATTP, cơ sở có hoạt động cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Xử lý nghiêm, triệt để các cơ sở vi phạm theo quy định. Duy trì và sử dụng hiệu quả các đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ATTP.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, củng cố việc xây dựng các chuỗi thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, đặc biệt là các chuỗi sản phẩm liên kết với 21 tỉnh và các địa phương khác. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố triển khai liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của 21 tỉnh đã ký kết và mở rộng các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, xúc tiến thương mại, thúc đẩy liên kết theo chuỗi để cung cấp cho thành phố Hà Nội.
Các đơn vị Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng và nhân rộng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm theo các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO,... Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, đặc biệt cơ quan chuyên môn của tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quản lý chất lượng, truy suất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Duy trì, phát triển thống nhất hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội tại địa chỉ (check.gov.vn). Xây dựng hoàn thiện, phát triển Chợ thương mại điện tử (chonhaminh.gov.vn)./.
TX (TH)