Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp năm 2020 đạt trên 4%

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội do đồng chí Nguyễn Xuân Đại, Phó giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND các huyện, thị xã: Sóc Sơn, Đông Anh, Đan Phượng, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì và Sơn Tây về kết quả sản xuất nông nghiệp 4 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 8 tháng còn lại năm 2020; bảo đảm mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp trong tình hình chịu tác động của dịch Covid-19.



* Tại huyện Sóc Sơn: Trong 4 tháng đầu năm, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn tăng trưởng 0,98%; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 245 triệu đồng, thu nhập bình quân 47,8 triệu đồng/người/năm... Trong phát triển chăn nuôi, huyện Sóc Sơn đã tái đàn được hơn 60.000 con lợn, phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt hơn 100.000 con; phát triển đàn gia cầm được gần 1,8 triệu con, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tại buổi làm việc, huyện Sóc Sơn đề xuất UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ 100% giống cây trồng vụ đông; công tác xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản... Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Sóc Sơn cũng kiến nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ vắc xin cúm gia cầm, con giống, thức ăn chăn nuôi và ưu đãi vay vốn cho các trang trại phát triển sản xuất…

* Tại huyện Đông Anh: Huyện đã gieo trồng 5872,3 ha lúa xuân. Diện tích rau an toàn vụ xuân là 800 ha, trong đó có 160 ha đang cho thu hoạch, sản lượng trung bình 215 tấn/ngày. Bên cạnh đó là 508,8 ha cây ăn quả, 192,7 ha hoa cây cảnh, cùng với diện tích ngô, khoai lang, đậu các loại... khoảng hơn 270 ha.

Đối với chăn nuôi, tổng đàn trâu bò toàn huyện hiện có gần 12.800 con. Đàn lợn 32.272 con. Đàn gia cầm gần 2,3 triệu con. Bên cạnh đó là 560 ha nuôi trồng thủy sản, cho sản lượng khoảng 2.500 tấn/năm.

Thời gian tới, huyện đề xuất UBND Thành phố Hà Nội, các sở ngành hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh đảm bảo sản xuất an toàn; hỗ trợ giống rau màu, cây vụ đông, mô hình ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ trực tiếp kinh phí hoặc 100% lãi suất ngân hàng cho các cơ sở, hộ gia đình mua giống lợn nái hậu bị; hỗ trợ giống thủy sản…

* Tại huyện Đan Phượng: Về trồng trọt, kết quả gieo trồng vụ xuân đạt 2.124 ha. Diện tích cây ăn quả toàn huyện là 999 ha. Về chăn nuôi, do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn giảm sút, chỉ còn 78.257 con, bằng 83,3% so với cùng kỳ; lợn nái chỉ còn 7.853 con; đàn gia cầm có 192.894 con. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 152 ha.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp, huyện Đan Phượng đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ thuốc vắc xin, hóa chất khử trùng tiêu độc, vật tư liên quan công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp làng nghề và sản phẩm OCOP...

* Tại huyện Mê Linh: Tính đến ngày 30/4/2020, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân đạt 6.278 ha. Diện tích rau an toàn đạt tiêu chuẩn Vietgap trên địa bàn huyện là 42,83 ha. Diện tích cây ăn quả khoảng 850,3 ha.

Đối với chăn nuôi, năm 2019, chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên tổng đàn lợn giảm, hiện còn 28.223 con, trong đó lợn nái còn 3.907 con. Đàn gia cầm hiện có 898.884 con.

Bám sát chỉ đạo của thành phố, huyện sẽ tiếp tục vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất. Tuy vậy, huyện cũng kiến nghị thành phố sớm ban hành cơ chế hỗ trợ con giống sinh sản trong công tác tăng đàn, tái đàn lợn; hỗ trợ mô hình khuyến nông phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện; kêu gọi mời đầu tư xây dựng chợ thương mại, chợ đầu mối tiêu thụ nông sản tại 2 xã: Thanh Lâm, Tiền Phong. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục hỗ trợ phát triển làng nghề và các sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

* Tại huyện Thạch Thất: Theo báo cáo của UBND huyện, vụ xuân toàn huyện gieo cấy được 4.319,3 ha, diện tích rau màu đã gieo trồng được 1.000,8 ha. Chăn nuôi đang phát triển mạnh với tổng đàn gia cầm đạt 905.985 con; đàn trâu, bò đạt 7.458 con; đàn lợn 70.305 con (trong đó có 4.195 con lợn nái, 84 con lợn đực giống; 66.026 con thương phẩm và theo mẹ)...

Để đạt được mức tăng trưởng ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện năm 2020 đạt 4,1%, huyện Thạch Thất đề nghị UBND Thành phố có giải pháp chỉ đạo, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất; đề nghị các sở, ngành tham mưu cho UBND Thành phố có phương án hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp.

* Tại huyện Quốc Oai: Về trồng trọt, diện tích lúa xuân đạt 4.256,8 ha, diện tích cây màu 586 ha, diện tích cây ăn quả toàn huyện hiện có 1.150 ha. Về chăn nuôi, các hộ chăn nuôi đã thực hiện tái đàn lợn theo quy định; chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định. Toàn huyện hiện có 4.833 con trâu, bò; tổng đàn lợn 31.052 con.

Để thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp, huyện Quốc Oai đề xuất UBND Thành phố, các sở ngành liên quan hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất đậu tương hè thu, đậu tương vụ đông, ngô vụ đông; hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi lợn; hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP và công tác xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị…

* Tại Thị xã Sơn Tây: Vụ xuân 2020, thị xã đã gieo trồng được 1.501 ha lúa xuân. Diện tích rau an toàn vụ xuân là 27,5 ha, trong đó diện tích đang thu hoạch khoảng 15 ha, hàng ngày cung ứng ra thị trường 10 tấn/ngày. Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước 232,2 ha. Trong đó diện tích cây ăn quả ước 189,5 ha. Về chăn nuôi, tổng đàn lợn 51.258 con, đàn trâu 944 con, đàn bò 5.514 con, đàn gia cầm 996.817 con. Để thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp, UBND thị xã đề xuất UBND TP, các sở ngành liên quan hỗ trợ các giống cây màu vụ đông cho nhân dân tập trung phát triển sản xuất; sớm ban hành quy định về định mức và quy chuẩn xây dựng nhà màng, nhà lưới; hỗ trợ mô hình và phát triển trồng một số giống cây dược liệu; hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi lợn...

* Tại huyện Ba Vì: Tổng diện tích gieo cấy được 6.519 ha, diện tích cây ăn quả 2.369 ha. Về chăn nuôi, đàn trâu có 4000 con, đàn bò 32.229 con, đàn lợn 184.077 con, đàn gia cầm có 5 triệu con. Trong thời gian tới, huyện kiến nghị UBND Thành phố, các đơn vị liên quan hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất và tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Triển khai nhiều chính sách cho vay vốn để các hộ nông dân mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP và công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Phát biểu tại các buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô đạt 4,12% trong năm 2020, các địa phương cần rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết cho tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp của huyện, thị xã. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, lợi thế của từng địa phương như: Trồng rau các loại, cây ăn quả và chăn nuôi. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tái đàn lợn, tăng tổng đàn gia súc, gia cầm, tận dụng các diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng, tránh hiện tượng đất bị bỏ hoang. Với những kiến nghị của huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tổng hợp, tham mưu UBND thành phố để sớm ban hành văn bản hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể./.

Nguyễn Thúy