Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội cho biết, thành phố đặt mục tiêu năm 2020: Phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 800 đến 1.000 sản phẩm OCOP. Trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, 100 sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, đến nay 100% các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện. Năm 2019, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng tổng số 301 sản phẩm (6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao), đạt 100,3% kế hoạch năm 2019.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chương trình OCOP từ khi triển khai thực hiện đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, cụ thể: có 75 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tham gia dự thi với 1.803 lao động tham gia trực tiếp tạo ra các sản phẩm dự thi.
Về định hướng đến năm 2025, ông Nguyễn Văn Chí cho biết, toàn thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 1.500 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, có 150 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm 5 sao. Đến năm 2030, tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 1.500 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 200 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm 5 sao.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội sẽ tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng. Sản phẩm phải từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp…/.
Theo Cổng GTĐT Hà Nội