Qua thanh tra, kiểm tra ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về lĩnh vực quản lý của Ngành, nâng cao nhận thức và ý thức của đối tượng được thanh tra, kiểm tra.
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát như hiện nay, tình trạng kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, vi phạm các quy định về chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại.
Để ngăn chặn tình trạng nêu trên với mục đích nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra chuyên ngành đặc biệt là lĩnh vực an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao. Trong năm 2021, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo Thanh tra Sở, các Chi cục có chức năng thanh tra chuyên ngành tập trung triển khai thực hiện như: Quyết định số 2295/QĐ-SNN ngày 14/12/2020 về giao kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021; Kế hoạch số 93/KH-SNN ngày 31/12/2020 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021; Kế hoạch số 09/KH-SNN ngày 25/01/2021 về công tác quản lý chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội năm 2021; Kế hoạch số 18/KH-SNN ngày 23/02/2021 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; văn bản số 83/SNN-TTr ngày 13/01/2021 về tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; số 844/SNN-TTr ngày 02/4/2021 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát có xuất xứ từ Thái Lan; công văn số 843/SNN-TTr ngày 02/4/2021 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; số 1947/SNN-TTr ngày 23/6/2021 về kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu bò vào Việt Nam... trên cơ sở đó các đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện.
Kết quả 9 tháng đầu năm 2021, Lực lượng Thanh tra Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 1.242 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm và lâm nghiệp. Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1.961.579.300 đồng đối với 158 tổ chức, cá nhân. Ngoài ra các Chi cục còn tham gia các Đoàn liên ngành kiểm tra 3.178 buổi với tổng số lượt cơ sở được kiểm tra là 12.040 lượt, trong đó số cơ sở vi phạm là 475 trường hợp. Đã cảnh cáo 150 trường hợp, hủy 69 trường hợp (gồm 69 con gia cầm lông; 02 con lợn; 02 con động vật khác; 33,5 kg thịt trâu, bò; 220 kg thịt lợn; 2.656 kg thịt gia cầm; 515 kg phụ phẩm động vật khác làm thực phẩm; 200 kg sản phẩm thức ăn bổ sung dùng trong chăn nuôi; 65 lọ thuốc thú y, 05 gói thuốc thú y), kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 314 trường hợp với số tiền là 815.006.500 đồng.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra chuyên ngành vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở và các Chi cục có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ:
- Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những hàng hóa có nhu cầu cao để chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát như hiện nay.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm theo quy định.
- Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng trong Thành phố với các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố khác nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện tốt các chủ trương chính sách, quy định của pháp luật về việc kinh doanh vật tư nông nghiệp và các sản phẩm thực phẩm. Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời đưa tin, tuyên truyền cho người dân không bao che, tiếp tay cho các đối tượng có hành vi vi phạm./.
Nguyễn Bình Minh