Thấy cảnh tượng đó, ông Lê Xuân Hữu liền trả chức thủ quỹ, xin ra khỏi HTX, một thời gian ngắn sau nó cũng phải giải thể. Thấy được hướng đi mới của quê hương, ông đứng ra thành lập HTX Thủy sản Trầm Lộng để người dân quê mình không còn phải nuôi trồng kiểu tự phát mà có chủ thể đại diện cho quyền lợi của chính mình. Lúc mới đầu, HTX có 25 thành viên rồi dần lên 36 với 63 ha ao nuôi, hiện 40 ha trong đó đã được công nhận VietGAP.
Các giống nuôi chủ yếu ở đây là trắm cỏ, chép, mè và trôi. Tham gia HTX, không được nuôi thả tự do như trước, các thành viên phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật chung gồm “3 tốt”: giống tốt, môi trường tốt, con người tốt và “4 đúng”: giống đúng mật độ, ăn đúng liều lượng, đúng giờ, đúng chỗ. Họ khéo léo nuôi kết hợp các loại cá dựa theo môi trường sống của chúng theo tầng đáy, tầng trung và tầng mặt nước cùng với đặc tính cộng sinh. Ví dụ như nuôi cá mè, cá trôi với cá trắm, cá chép để vừa có thể dọn dẹp các chất thải hay thức ăn thừa vừa làm sạch nước.
Ngoài ra, bà con còn chủ động phòng dịch bệnh bằng việc vệ sinh ao nuôi định kỳ 2 lần/tháng với men vi sinh, thảo dược, thường xuyên thay nước vào ra, cho chạy quạt sục để vừa cung cấp oxi cho cá hoạt động phát triển vừa đảm bảo oxi cho hệ sinh vật hiếu khí, giúp cân bằng môi trường sống.
Tôi hỏi tại sao các thành viên chỉ góp vốn có hơn 30 triệu mà HTX lại hoạt động được? Ông Hữu cười rồi từ tốn giải thích, bản thân gia đình mình đã bỏ ra mấy tỉ đồng để làm vốn cho HTX cung cấp thức ăn thủy sản cho các thành viên. Thực tế thì hành động này cả đôi bên cùng có lợi. Thành viên thì được nguồn cám chất lượng và giá hạ hơn so với mua lẻ của đại lý bên ngoài, còn Giám đốc HTX như ông Hữu cũng có lãi kiểu tương tự như đại lý cấp một. Dù rằng Hội đồng quản trị HTX không có lương nhưng tất cả ai nấy đều nhiệt tình hoạt động là vì thế.
Trong chuyến tham quan tại HTX hồi đầu năm nay, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam ông Nguyễn Ngọc Bảo đã ấn tượng với cách làm sáng tạo này của Trầm Lộng và định hướng cho đơn vị nên làm theo chuỗi giá trị để có thể phát triển bền vững. Liên minh HTX Việt Nam sẽ hỗ trợ việc xây dựng các mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực. Ông Hữu nhân đó mà đề nghị các chính sách hỗ trợ như xây dựng đầu tư khu sơ chế cá, kho lạnh bảo quản...để có thể chủ động thâm nhập vào các siêu thị, bếp ăn lớn ở Hà Nội cũng như các tỉnh, thành lân cận.
Nhưng lúc tôi về thì ông bảo sản phẩm vẫn chỉ đang bán cho các tư thương là chủ yếu, giá cả, số lượng rất phập phù dù đơn vị đã áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất, chất lượng thịt cá chắc, ngọt, thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: “Chúng tôi đến giờ tôi vẫn chưa tìm được lối ra cho việc tiêu thụ dù đã đi khắp nơi để chào mời, hội nghị nào cũng kêu gọi kết nối.
Bây giờ, giá cám tăng rất cao, cỡ 25-30% so với năm ngoái mà mà giá bán liên tục bị ép, chẳng tăng được đã đành mà còn bị giảm, nên phần lớn bà con đang hòa hoặc lãi chút ít. Tôi chỉ muốn làm sao các thành viên của HTX trong đó có gia đình mình bán được cá tươi với số lượng và giá khá, ổn một chút chứ chưa dám mơ đến hoàn thiện từ khâu sản xuất đến chế biến theo chuỗi giá trị. Mỗi ngày HTX chúng tôi có thể cung cấp đều đặn được 5-7 tấn cá các loại như trắm, trôi, mè, chép, rô phi và số lượng đó gần như là khá ổn định trong cả năm bởi có nhiều lứa thả, nhiều ao nuôi khác nhau”./.
Nguồn: nongnghiep.vn