Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Không để thiếu nước sản xuất vụ Xuân

Nhằm bảo đảm công tác chống hạn trong vụ Xuân 2023, Hà Nội đã xây dựng phương án cấp nước cụ thể cho từng vùng sản xuất. Sự chủ động của các doanh nghiệp thuỷ lợi, chính quyền địa phương cùng người nông dân sẽ là yếu tố quan trọng đối với mục tiêu chống hạn của TP.



Khó khăn chực chờ

Theo thống nhất của Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vụ Xuân 2023, các hồ chứa thuỷ điện sẽ mở cửa xả trong hai đợt để bổ sung nguồn nước gieo cấy cho các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội). Cụ thể, đợt 1 bắt đầu từ 0 giờ ngày 6/1/2023 đến 24 giờ ngày 9/1/2023; đợt 2 kéo dài từ ngày 1 - 8/2/2023.

So với vụ Xuân 2022, lịch mở cửa xả của các hồ chứa thuỷ điện để bổ sung nguồn nước gieo cấy vụ Xuân 2023 bắt đầu muộn hơn nhưng kết thúc sớm hơn. Trong vụ Xuân 2022, thời điểm bắt đầu lấy nước là từ 0 giờ ngày 4/1/2022 và kết thúc lúc 24 giờ ngày 10/2/2022. Vụ Xuân 2022 cũng có 3 đợt lấy nước thay vì 2 đợt như vụ Xuân 2023. Tổng thời gian lấy nước vụ Xuân 2022 là 16 ngày, nhiều hơn con số 12 ngày của vụ Xuân 2023.

Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, với thời gian lấy nước kể trên, công tác chống hạn của các địa phương trên địa bàn TP sẽ gặp nhiều thách thức. Thực tế, với thời gian xả kéo dài hơn và chia làm 3 đợt như trong vụ Xuân 2022, việc vận hành nhiều trạm bơm như: Trung Hà, Sơn Đà (huyện Ba Vì), Phù Sa (thị xã Sơn Tây), Đan Hoài (huyện Hoài Đức)… cũng còn rất khó khăn.

Thời vụ gieo trồng là một thách thức khác đối với công tác chống hạn vụ Xuân 2023. Tại Hà Nội, những diện tích lúa Xuân thường bắt đầu được gieo cấy vào đầu tháng 2, tập trung cấy từ ngày 4 – 28/2/2023. Gieo sạ tập trung từ ngày 10 – 20/2/2023.

Đối với rau màu, bà con thường tập trung canh tác vào cuối tháng 2, đầu tháng 3. Như vậy, kế hoạch xả nước từ các hồ chứa thuỷ điện sớm hơn kế hoạch gieo cấy đến gần 1 tháng. Cùng với tập quán canh tác muộn của nông dân nhiều địa phương, công tác lấy nước, đổ ải phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023 sẽ chịu những tác động nhất định, ảnh hưởng đến tiến độ lấy nước chung.

Sẵn sàng phương án ứng phó

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy Trần Đình Cường, hiện nay, nhiều công trình lấy nước dọc sông Hồng của đơn vị đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Năng lực lấy nước giảm sút trong bối cảnh mực nước sông ngày một hạ thấp. Đây cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp thuỷ lợi trước khi bước vào đợt chống hạn đầu tiên.

Để chủ động ứng phó với điều kiện nguồn nước và hiện trạng công trình thuỷ lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội đã sớm xây dựng phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước vụ Xuân 2023 trên địa bàn TP. Hiện, giải pháp chống hạn chi tiết cho 3 vùng địa lý đã được hoàn thành; cụ thể là: Vùng hữu sông Đáy (6 huyện, thị xã), vùng tả sông Đáy (11 quận, huyện) và vùng phía Bắc Hà Nội (5 quận, huyện).

Đối với mỗi vùng, Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi hoàn thành xây dựng phương án vận hành hệ thống trạm bơm, công trình lấy nước dọc các tuyến sông. Đồng thời, xác định những khu vực có khả năng cao gặp khó khăn về nguồn nước để lắp đặt các trạm bơm dã chiến, hoặc có giải pháp điều tiết nguồn nước thay thế.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, bên cạnh phương án lấy nước cụ thể cho từng vùng, ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2023 phù hợp nhất với năng lực cấp nước. Đối với những diện tích đất gieo cấy lúa thường xuyên không bảo đảm nguồn nước tưới suốt vụ, căn cứ điều kiện cụ thể, sẽ kiên quyết chuyển đổi sang canh tác cây trồng cạn.

Ngành nông nghiệp cũng đề nghị 4 doanh nghiệp thuỷ lợi của Hà Nội gắn phương án đưa nước với kế hoạch sản xuất của các địa phương trên địa bàn TP. Tận dụng hiệu quả các đợt xả nước tăng cường từ hồ chứa thuỷ điện. Đồng thời, tuân thủ phương châm ưu tiên lấy nước đổ ải cho những vùng, khu vực khó khăn và xa nguồn cấp, bảo đảm không để diện tích nào bị thiếu nước sản xuất vụ Xuân 2023./.

NT (Theo Báo KTĐT)