Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Đề xuất nhiều nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, UBND thành phố vừa đề xuất mục tiêu phát triển, nội dung, nhiệm vụ cho phát triển thương mại điện tử quốc gia thời gian tới và giai đoạn 2021-2025.



Theo đó, UBND thành phố đề xuất mục tiêu: 100% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp. 85% doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội thực hiện đặt hàng, nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. 95% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trên địa bàn Hà Nội có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán POS và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Đáng chú ý, UBND thành phố đề xuất mục tiêu có 85% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền thông trên địa bàn Hà Nội chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 65% các nhân, hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đề xuất nhiệm vụ triển khai giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể: Xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội hằng năm, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành thành phố để triển khai đạt hiệu quả. Kiện toàn cơ chế và bộ máy quản lý nhà nước về thương mại điện tử, phân công đơn vị chuyên trách, bố trí cán bộ để thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên toàn bộ các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư, các thủ tục khác liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức các chương trình đạo tạo, tập huấn ngắn hạn cho doanh nghiệp về thương mại điện tử theo các chủ đề chuyên sâu, phù hợp với lĩnh vực kinh doanh…

Ngoài ra, UBND thành phố đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ hoàn thiện quy định của pháp luật về thương mại điện tử; phân cấp quản lý nhà nước mạnh mẽ cho địa phương; phân quyền cho địa phương trong khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về thương mại điện tử, đặc biệt là tiếp nhận báo cáo hoạt động định kỳ của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử; xây dựng chế độ thống kê, theo dõi tình hình hoạt động, doanh thu thương mại điện tử phù hợp đặc điểm hoạt động thương mại điện tử…/.

TT (Theo Cổng GTĐT HN)